Hôm qua, đúng dịp kỷ niệm Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 80 tuổi, Bộ GTVT chính thức thông xe đường cao tốc TPHCM – Trung Lương. Con đường cao tốc đầu tiên này mới chỉ dài hơn 60km, nhưng đã giải tỏa được nhiều vấn nạn tồn tại dai dẳng bấy lâu nay trên trục đường đi về miền Tây – vựa lúa lớn nhất của cả nước.
Với lưu lượng mỗi ngày hơn 50.000 ô tô qua lại, con đường độc đạo (quốc lộ 1A) từ TPHCM đi Tiền Giang và các tỉnh miền Tây Nam bộ, vốn đã chật hẹp từ mấy năm trước, nay càng chen chúc quá tải. Chiều chiều, xe nối đuôi nhau dài mấy cây số nhích từng mét, chầm chậm vào TP. Chưa kể những ngày lễ, tết hoặc gặp bất kỳ sự cố nào cũng làm cho toàn tuyến tê liệt. Chỉ hơn 60km, nhưng bình thường cũng phải mất gần 3 giờ, còn kẹt xe thì vô chừng. Cung đường thơ mộng ngày nào trở thành nỗi ám ảnh của hàng triệu người. Đó là hậu quả tất yếu của sự mất cân đối giữa nhu cầu tăng trưởng kinh tế - xã hội và hạ tầng giao thông.
Tuy nhiên, từ ngày 3-2-2010, tình thế đã khác. Đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, với vận tốc khoảng 100km/h, từ điểm đầu đến điểm cuối không có giao lộ, đã kéo miền Tây về gần TPHCM. Với thời gian rút xuống chỉ còn gần 1 giờ, đường cao tốc TPHCM - Trung Lương không chỉ giải thoát cho cửa ngõ quan trọng nhất phía Tây của TPHCM, chia sẻ gánh nặng với quốc lộ 1A, mà còn là con đường huyết mạch, làm động lực phát triển kinh tế cho toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Hôm qua, đi trên con đường với vận tốc trung bình 100km/h này, nhiều người rất phấn khích, bay bổng. Song niềm vui thật ngắn vì chỉ 1 giờ sau lại phải trở về với thực tại: ùn tắc, kẹt xe… Nếu mạng lưới giao thông như hệ thống mạch máu của cơ thể thì đường cao tốc là các động mạch. Nhưng một cơ thể không thể sống với chỉ một đoạn động mạch. Đường cao tốc TPHCM - Trung Lương phải được nối dài đến Cần Thơ và các tỉnh thành khác của miền Tây Nam bộ.
Chưa hết, trong tương lai không xa, đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ phải nhanh chóng hoàn thành và đi xa hơn nữa, cùng với việc xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, hình thành một hệ thống huyết mạch hoàn chỉnh, thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh trong những năm tới.
PHAN LỘC