Cả nước bước vào Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ lần thứ 4 với chủ đề “Tốc độ” do Liên hiệp quốc phát động từ ngày 8 đến 14-5 khi vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc vừa xảy ra tại Gia Lai làm 13 người chết, bị thương hàng chục người. Ngay trước đó, một vụ TNGT nghiêm trọng khác xảy ra tại Bắc Giang làm 2 người chết. Cả 2 vụ việc đều do xe tải chạy quá tốc độ, lấn làn đường khiến dư luận hết sức bàng hoàng và phẫn nộ. Vụ việc sẽ được điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, ai làm sai sẽ phải trả giá, nhưng làm thế nào để ngăn chặn, hạn chế những vụ TNGT nghiêm trọng, để không còn nhiều người phải ra đi oan uổng, phi lý mới là điều trăn trở.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trung bình ở nước ta cứ 10 vụ TNGT thì có 1 vụ do người điều khiển phương tiện vi phạm tốc độ. TNGT do vi phạm tốc độ chiếm 12,9% tổng số vụ, đây là tỷ lệ tương đối cao so với các lỗi vi phạm khác và vi phạm này có xu hướng gia tăng do ý thức của người điều khiển phương tiện. Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết, ghi nhận từ Trung tâm Dữ liệu nhận thông tin truyền về từ thiết bị giám sát hành trình (GSHT) cho thấy, trung bình mỗi tháng cả nước có từ 6 - 7 triệu lượt vi phạm tốc độ, trong đó có những lượt vi phạm tốc độ trên 150%.
Đây vẫn chưa phải là con số phản ánh chính xác thực tế, bởi Nghị định 86 của Chính phủ đã quy định, các phương tiện kinh doanh vận tải phải lắp đặt và truyền dữ liệu từ thiết bị GSHT, nhưng theo Tổng cục ĐBVN, hiện chỉ có khoảng 70% số phương tiện được lắp thiết bị GSHT thực hiện truyền dữ liệu về hệ thống của Tổng cục ĐBVN. Trong đó, có những địa phương nhiều tháng liền nằm trong tốp có số phương tiện không truyền dữ liệu về trung tâm cao nhất, ví dụ như Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ… Đó là chưa kể nhiều phương tiện đã tự ngắt thiết bị GSHT, tự làm gián đoạn quá trình truyền dữ liệu để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Đơn cử xe khách trong vụ tai nạn thảm khốc tại Gia Lai vừa qua cũng đã ngắt thiết bị GSHT trước đó vài ngày. Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN khẳng định, thiết bị GSHT là công cụ hữu hiệu để quản lý tốc độ. Thế nhưng làm sao để thiết bị GSHT không phải chỉ để thống kê, phạt nguội hoặc cung cấp cho cơ quan điều tra khi tai nạn đã xảy ra mà phải mang tính ngăn ngừa TNGT, thì có lẽ công cụ này chưa thực sự phát huy tác dụng.
Không chỉ vi phạm về tốc độ, TNGT còn diễn biến phức tạp khi hàng loạt vi phạm pháp luật về giao thông vẫn còn rất phổ biến và thường chỉ được phát hiện khi tai nạn đã xảy ra. Ví dụ, vụ TNGT thảm khốc ở Gia Lai, các cơ quan chức năng còn phát hiện thêm hàng loạt lỗi của xe tải trong quá trình điều tra, như xe không có giấy phép kinh doanh vận tải, tài xế không có phù hiệu theo quy định, xe chở quá tải… Những vi phạm này đã cho thấy những lỗ hổng, sự lỏng lẻo trong nhiều khâu, nhiều cấp quản lý liên quan đến ATGT. Việc vẫn còn tới 30% phương tiện không truyền dữ liệu về trung tâm, còn hàng chục địa phương không coi trọng việc xử lý thông tin từ thiết bị GSHT cũng cho thấy sự lơ là, chây ỳ trong việc quản lý nguy cơ TNGT như thế nào. Với cung cách quản lý này, không ai biết được trên các cung đường còn có bao nhiêu phương tiện vận tải “nhiều không” đang tung hoành, TNGT có thể xảy ra lúc nào. Vậy mà khi TNGT nghiêm trọng xảy ra, người đứng đầu các ban ngành, địa phương dường như vẫn… vô can!
Tuần lễ ATGT đường bộ rồi sẽ qua rất nhanh, nếu chúng ta chỉ hưởng ứng bằng những hô hào khẩu hiệu mà không có những hành động quyết liệt; nếu chúng ta chỉ chú tâm vào các biện pháp xử phạt theo kiểu xử lý phần ngọn mà không tập trung các giải pháp ngăn chặn từ gốc thì e rằng TNGT sẽ còn là hiểm họa khôn lường. Các giải pháp như quản lý tốc độ bằng thiết bị GSHT, siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô, siết chặt công tác đăng kiểm, đào tạo cấp phép lái xe… đã được nhắc tới nhiều lần nhưng nếu việc thực hiện không đến nơi đến chốn, thực hiện theo phong trào bằng các đợt ra quân rầm rộ rồi thì cũng chỉ như “ném đá ao bèo”. Cùng với việc kêu gọi người dân có ý thức tham gia giao thông, ngăn ngừa TNGT còn cần được bắt đầu từ ý thức trách nhiệm của những người thi hành công vụ ở các cấp, các ngành, mọi khâu, mọi lĩnh vực liên quan đến đảm bảo trật tự ATGT.