Còn nhiều vấn đề cần làm rõ về kinh doanh vận tải bằng ô tô

Ngày 27-2, tại TPHCM, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức hội nghị đánh giá việc thực hiện Nghị định 86/2016/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Ngày 27-2, tại TPHCM, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức hội nghị đánh giá việc thực hiện Nghị định 86/2016/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Tham dự có đại diện 15 Sở GTVT từ TPHCM đến Cà Mau. Tại hội nghị, hầu hết ý kiến của các Sở GTVT cho rằng, trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô còn nhiều vấn đề cần xác định cụ thể, rõ ràng để công tác quản lý chặt chẽ hơn.

Tại Điều 13 của Nghị định quy định: “Lái xe và nhân viên phục vụ trên xe phải có hợp đồng lao động bằng văn bản với đơn vị kinh doanh vận tải theo mẫu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (trừ các trường hợp đồng thời là chủ hộ kinh doanh hoặc là bố, mẹ, con, vợ, chồng của chủ hộ kinh doanh)”. Quy định này chưa hợp lý vì đối với các hợp tác xã (HTX) vận tải, các chủ xe tham gia HTX (xã viên) thường trực tiếp lái xe, phục vụ hoặc để người thân trong gia đình lái, phục vụ. Cũng các xã viên ấy bầu lên chủ nhiệm HTX, do vậy chủ nhiệm HTX không thể ký hợp đồng lao động với lái xe, phụ xe, tức là xã viên được. Trường hợp thuê lái xe thì cũng là do từng chủ xe ký hợp đồng lao động, bởi chính chủ xe sẽ trả lương và theo dõi lái xe làm việc.

Một vấn đề nhức nhối hiện nay là xe dù, vì vậy cần xác định rõ xe hợp đồng không được đón, trả khách tại một điểm trong thời gian dài. Xe hợp đồng chạy đến đâu phải có địa chỉ cụ thể ở điểm đầu và điểm cuối. Nên quy định các điểm đón, trả khách, xác định tuyến cố định. Ngoài ra, để tăng cường quản lý đối với hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, khoản 3, Điều 7 Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định: Từ ngày 1-7-2015, đối với ô tô có trọng tải thiết kế từ 10 hành khách trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải phải thông báo tới Sở GTVT nơi cấp giấy phép kinh doanh vận tải các thông tin cơ bản của chuyến đi bao gồm: hành trình, số lượng khách, các điểm đón, trả khách, thời gian thực hiện hợp đồng. Việc thông báo sẽ thực hiện thông qua nhiều hình thức để mỗi đơn vị kinh doanh vận tải có thể lựa chọn phù hợp với điều kiện của mình như fax, email, thông báo qua trang điện tử của Sở GTVT. Bộ GTVT sẽ có hướng dẫn mẫu nội dung thông báo để tạo điều kiện cho các đơn vị vận tải thực hiện.

Trong thời gian tới, Bộ GTVT cũng sẽ chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các phần mềm quản lý vận tải để có thể cập nhật và báo cáo tự động, từ đó có thể kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm đối với hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Đây là một trong các giải pháp để tăng cường quản lý hoạt động vận tải của xe hợp đồng là một trong những hình thức kinh doanh vận tải hành khách mà dư luận xã hội cũng như Bộ GTVT yêu cầu phải quản lý chặt chẽ trong thời gian sắp tới.

Tổng thư ký Hiệp hội Taxi TPHCM Phan Thái Bình cho rằng, phải có biện pháp quản lý hoạt động Uber để công bằng với các loại hình kinh doanh khác chứ không thể thả nổi như hiện nay.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng nhấn mạnh: Mục tiêu “cốt lõi” là làm sao để mọi hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, đổi mới công tác quản lý nhà nước phù hợp với thực tế nhằm thực hiện các giải pháp để siết chặt điều kiện kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện góp phần giảm tai nạn giao thông.

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục