Công bằng, công tâm khi tinh giản biên chế

LTS

LTS: Dư luận đang rất quan tâm đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ - công chức - viên chức (CBCCVC) trong 6 năm tới theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Báo SGGP trích giới thiệu một số ý kiến của bạn đọc về việc thực hiện tinh giản biên chế.

NGUYỄN ĐỨC NGUYÊN (quận 5, TPHCM): Không có đặc cách về đối tượng tinh giản

Việc tinh giản biên chế CBCCVC nhà nước đang làm việc trong khối cơ quan hành chính và khối hành chính sự nghiệp không phải là chuyện mới, nhằm khắc phục tình trạng bộ máy nhà nước cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả và gây lãng phí ngân sách. Thực tế, tại nhiều cơ quan hành chính hiện nay vẫn tồn tại không ít CBCCVC chuyên “ngồi chơi xơi nước”, yếu kém về chuyên môn nghiệp vụ cũng như về đạo đức nhưng vẫn “bình chân như vại”. Việc thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ tỏ rõ quyết tâm nâng cao chất lượng CBCCVC; thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ; đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập; góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, giảm chi thường xuyên, thực hiện cải cách chính sách tiền lương… Chúng tôi rất hoan nghênh quan điểm của Sở Nội vụ TPHCM rằng trong việc tinh giản biên chế cần phải quyết tâm và kiên quyết, không có rào cản nào về đối tượng tinh giản. Thậm chí nếu chủ tịch quận - huyện, giám đốc, trưởng - phó phòng các sở ban ngành… làm không được việc cũng như yếu kém về mặt đạo đức, tư cách cũng nằm trong đối tượng cần phải tinh giản biên chế.

Để thực hiện đề án tinh giản biên chế một cách quyết liệt, thực chất, có hiệu quả, tránh hình thức, yêu cầu quan trọng nhất vẫn là sự đánh giá công tâm, công bằng của người đứng đầu. Cần nghiêm túc thực hiện đề án với quyết tâm cao, kiên quyết loại bỏ những CBCCVC yếu kém ra khỏi bộ máy nhà nước và thu hút được nhiều người tài giỏi, có đạo đức, cống hiến, phục vụ cho bộ máy nhà nước, nâng cao được hình ảnh thân thiện của các cơ quan hành chính thông qua hình ảnh của từng CBCCVC nhiệt huyết và đầy tài năng.

MỤC ĐỒNG (Liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật Cà Mau): Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước năng động

Thực tế đang đòi hỏi phải khẩn trương, mạnh dạn và cương quyết tinh giản biên chế và cơ cấu lại bộ máy quản lý nhà nước để năng động, thích ứng tốt hơn, hiệu quả hơn. Nhiều nơi, nhiều sở - ngành vẫn tồn tại những CBCCVC có đầy đủ chức danh nhưng không có phát sinh sự vụ quản lý giải quyết, hoặc không đủ trình độ và bản lĩnh để xử lý.

Nguyên tắc cơ cấu lại bộ máy phải xuất phát từ thực tiễn quản lý, theo phương châm lĩnh vực nào thực sự cần quản thì mới quản, có bộ máy và cán bộ quản. Có như thế mới giảm được biên chế ăn lương trong bộ máy. Việc cơ cấu lại bộ máy quản lý nhà nước thực hiện trên cơ sở bộ máy hiện hữu có cắt gọt, sáp nhập, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Có thể tiến hành theo cách các bộ - ngành, địa phương tự tổ chức sắp xếp lại theo hướng sáp nhập công việc, lồng ghép về đầu mối phụ trách đối với những lĩnh vực, những công việc ít phát sinh trong bộ - ngành, địa phương mình quản lý, rồi tích hợp thành đề án tổ chức sắp xếp lại cho toàn bộ máy quản lý nhà nước của cả nước.

Tin cùng chuyên mục