Cổng bệnh viện đã sạch đẹp hơn

Trước tình trạng các bệnh viện ở TPHCM bị người bán hàng rong vây kín cổng, gây mất vệ sinh, trật tự và mỹ quan, các cơ quan chức năng đã phối hợp chấn chỉnh. Sau nhiều tháng lập lại trật tự, nhiều cổng bệnh viện đã sạch đẹp hơn.
Cổng bệnh viện đã sạch đẹp hơn

Trước tình trạng các bệnh viện ở TPHCM bị người bán hàng rong vây kín cổng, gây mất vệ sinh, trật tự và mỹ quan, các cơ quan chức năng đã phối hợp chấn chỉnh. Sau nhiều tháng lập lại trật tự, nhiều cổng bệnh viện đã sạch đẹp hơn.

Trộm hết đất sống, hàng rong có chỗ mới

Chiếm dụng vỉa hè trước các bệnh viện để buôn bán không phải tốn bất kỳ khoản phí nào mà lại luôn có nguồn khách hàng đông đúc, do vậy rất nhiều người bán hàng rong kéo về vây quanh các cổng bệnh viện để buôn bán. Khi cổng bệnh viện thành chợ, thì nạn móc túi, đánh lộn, mất trật tự diễn ra thường xuyên. Tình hình ngày càng phức tạp, nên chính quyền các địa phương đã đồng loạt triển khai các biện pháp chấn chỉnh, phân công lực lượng đứng chốt liên tục nhiều tháng trước các cổng bệnh viện.

Cổng Bệnh viện Nhi đồng 1 đã trật tự hơn.

Từ trước tháng 5-2013, trước cổng Bệnh viện Nhi đồng 1 (đường Lý Thái Tổ, phường 10, quận 10) luôn có nhiều xe đẩy, bàn ghế, hàng rong lấn chiếm vỉa hè, đẩy người dân đi bộ phải đi dưới lòng đường. Lại hay xảy ra việc tranh giành khách giữa các xe ôm thuộc nhóm tự quản và xe ôm chạy tự do. Liên tục xảy ra nhiều vụ móc túi.

Từ đó, UBND phường 10 đã kiến nghị quận hỗ trợ chuyển hóa địa bàn, khảo sát toàn bộ hộ kinh doanh buôn bán lấn chiếm vỉa hè trước cổng bệnh viện để vận động tìm điểm bán mới ổn định. Các lực lượng của phường, từ công an, dân phòng, bảo vệ khu phố với 48 người chia ra 6 ca trực trong ngày để đảm bảo an ninh luôn xuyên suốt trước cổng bệnh viện. Chính quyền phường 10 cũng phối hợp liên tịch với phường 9 để tránh tình trạng hàng rong vẫn tụ tập bán ở bên kia đường. Gần 20 hộ bán hàng rong trước cổng bệnh viện được phường sắp xếp đưa vào bán trong chợ, và tạo điều kiện vay vốn để chuyển đổi nghề, có việc làm mới ổn định.

Phường 10 cũng thành lập hai đội xe ôm tự quản để đảm bảo trật tự trên vỉa hè. Tại cổng bệnh viện có gắn camera ghi hình, có công an theo dõi để kịp phát hiện khi xảy ra tình hình bất thường.

Anh Nguyễn Văn Phương, Tổ trưởng tổ xe ôm tự quản, phấn khởi cho hay: “Tôi hành nghề xe ôm đã hơn 20 năm tại đây, kiếm sống mệt mỏi. Nhưng hơn 1 năm nay, nhờ chính quyền địa phương quan tâm chấn chỉnh trật tự nơi cổng bệnh viện, nên hoạt động đón khách tại đây cũng đi vào nền nếp, kiếm sống dễ thở hơn. Tổ xe ôm tự quản cũng thay phiên nhau điều tiết, phân luồng giao thông để chống kẹt xe, đồng thời hỗ trợ nhau quan sát, nếu phát hiện đối tượng khả nghi thì báo ngay cho bảo vệ bệnh viện hay công an. Khi có những xe đẩy hàng rong từ nơi khác đến bán, mọi người đều khuyên đi bán chỗ khác”.

Tạo điều kiện cho người nghèo kiếm sống

Hơn 6 tháng nay, trước cổng Bệnh viện Hùng Vương (phường 12, quận 5) cũng đã gọn gàng, sạch đẹp, không còn cảnh xô bồ của những bàn, ghế, tủ kệ buôn bán bày chiếm, choán hết vỉa hè. Để lập lại trật tự tại đây, UBND phường 12 kết hợp cùng lực lượng công an, quản lý trật tự đô thị quận kiên quyết thu giữ tang vật vi phạm và xử phạt. Công an thường xuyên có mặt xử lý những đối tượng có hành vi quá khích, chống đối các đơn vị thực hiện nhiệm vụ. Còn bảo vệ dân phố cùng với đội trật tự đô thị phối hợp trực chốt liên tục để không còn tình trạng buôn bán xảy ra. UBND phường 12 tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ buôn bán cam kết không lấn chiếm vỉa hè.

Mặc dù phần lớn những người bán hàng rong lấn chiếm trước cổng bệnh viện không ngụ trên địa bàn quận, nhưng phường cũng quan tâm tạo điều kiện cho họ có chỗ buôn bán mới ổn định. Vỉa hè đoạn đường Triệu Quang Phục và Bà Triệu bên hông bệnh viện được sắp xếp cho những người nghèo buôn bán theo mô hình tự quản “Tổ phụ nữ kinh doanh bảo vệ môi trường”.

Quanh Bệnh viện Nhi đồng 1, ông Nguyễn Anh Điệp, Chủ tịch UBND phường 10 quận 10, cho biết: “Ban đầu phường cũng gặp nhiều khó khăn khi vận động đưa người bán hàng rong trước cổng bệnh viện vào chợ. Chuyển được vài ngày họ lại quay lại trước cổng bệnh viện bán. UBND phường lại phải kiên trì tuyên truyền, phổ biến chủ trương, giáo dục về ý thức chấp hành pháp luật để mọi người cùng hiểu, chia sẻ, giúp đỡ nhau. Hiện vẫn còn 8 hộ bán hàng rong sau khi được đưa vào chợ đã quay lại trước cổng bệnh viện bán hàng, UBND phường quy định chỉ cho bán đến 6 giờ sáng là dọn. Kinh phí thực hiện công tác tuyên truyền khá lớn do đòi hỏi phải làm thường xuyên, công an công tác tuần tra liên tục.

Hiện nay tình hình đã chuyển biến rõ, nhưng mỗi khi có những bếp ăn từ thiện đến phát cơm bên ngoài cổng bệnh viện, vẫn còn xảy ra tình trạng chen lấn, móc túi. Dù còn khó khăn nhưng UBND phường quyết tâm không để tiếp tục cảnh nhếch nhác mất trật tự trước cổng bệnh viện”.

THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục