Công bố Quyết định chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh thành Vườn Quốc Gia

Ngày 23-12, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Lễ công bố Quyết định chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh thành Vườn Quốc gia.

Lễ trao quyết định
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam giao Giám đốc Sở NN-PTNT quản lý, điều hành và tổ chức hoạt động. Bộ máy tổ chức hoạt động kế thừa Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh.

Việc thành lập vườn quốc gia nhằm bảo vệ rừng tốt hơn, tiếp tới xây dựng khu cứu hộ động vật hoang dã của miền Trung - Trường Sơn. Vườn quốc gia sông Thanh có chức năng bảo tồn các giá trị tự nhiên, đa dạng sinh học, các loài động thực vật nguy cấp, quý hiếm; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển du lịch.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Quảng Nam hiện nay có 1 vườn quốc gia, 4 khu bảo tồn thiên nhiên. Vườn quốc gia sông Thanh ra đời tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế xã hội của Quảng Nam.

“Tỉnh Quảng Nam sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng truy quét những bãi vàng trái phép, có khả năng sẽ đánh sập các hầm vàng, khôi phục lại cảnh quang môi trường, bảo vệ phát triển Vườn quốc gia sông Thanh”, ông Hồ Quang Bửu khẳng định.  

Công bố Quyết định chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh thành Vườn Quốc Gia ảnh 2 Vườn quốc gia sông Thanh rộng hơn 76.660 ha nằm trên 12 xã của huyện Phước Sơn và Nam Giang
Vườn quốc gia sông Thanh rộng hơn 76.660 ha nằm trên 12 xã của huyện Phước Sơn và Nam Giang. Trong đó 58.220 ha nằm trong phạm vi bảo vệ nghiêm ngặt, nguyên vẹn toàn bộ tài nguyên rừng và đất rừng. Hơn 18.360 ha thuộc phân khu phục hồi sinh thái với chức năng bảo vệ cảnh quan, tài nguyên rừng. Khu vực này sẽ phục hồi các hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học và các giá trị khác của khu rừng; thực nghiệm, nghiên cứu lâm sinh, động, thực vật và địa chất thủy văn; phát triển du lịch sinh thái.

Ngoài ra, các nhà chuyên môn ghi nhận nơi đây có hơn 830 loài thực vật bậc cao, trong đó 23 loài đặc hữu của Việt Nam; 49 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Trong rừng, hệ động vật rất đa dạng, gồm 53 loài thú, 183 loài chim, 44 loài bò sát, 21 loài lưỡng cư, 25 loài cá và nhiều loài động vật không xương sống.

Tin cùng chuyên mục