Để đảm bảo trật tự giao thông trong dịp lễ 30-4 và 1-5, cũng như đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian diễn ra bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp sắp tới, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc đã ra quân, bố trí tối đa lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Bên cạnh lực lượng trực cắm chốt, công an cả nước còn đẩy mạnh xử lý vi phạm thông qua hệ thống camera giám sát với hình thức phạt nguội.
Theo Cục CSGT (C08), Bộ Công an, tại TPHCM hiện có hơn 800 camera, Hà Nội có hơn 200 camera được sử dụng để kiểm soát vi phạm giao thông. Các tuyến đường cao tốc được lắp đặt camera nhiều nhất là: Nội Bài - Lào Cai, có 110 camera giám sát; Đà Nẵng - Quảng Ngãi, 78 camera giám sát...
Theo thống kê của C08, thông qua hệ thống camera giám sát, thời gian qua trên toàn quốc đã ghi nhận, phát hiện hơn 120.000 trường hợp vi phạm. Chỉ tính riêng năm 2020, số vi phạm được phát hiện qua hệ thống camera giám sát chiếm hơn 90% tổng số vi phạm, với các lỗi chủ yếu: chạy xe quá tốc độ; lùi xe, dừng đỗ, đón trả khách không đúng quy định…
Ứng dụng hệ thống camera giám sát bước đầu mang lại kết quả tích cực trong việc nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn nhiều tình huống khó khăn khi tiến hành xử phạt qua hệ thống này (phạt nguội hoặc trực tiếp).
Thông tin từ CSGT các địa phương cho thấy, ngoài việc che biển số thì các trường hợp mua bán phương tiện không sang tên, chuyển chủ; chủ phương tiện thay đổi địa chỉ nhưng không đăng ký lại thông tin; hành lang pháp lý để xử phạt nguội chưa đầy đủ, một số quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính về chuyển quyết định xử phạt, xử phạt qua tài khoản chưa cụ thể, rõ ràng; thiết bị phục vụ việc giám sát chưa đồng bộ và mới chỉ tập trung ở những khu vực trọng điểm nội đô và các tuyến quốc lộ; hệ thống camera giám sát bị hỏng hóc còn nhiều do chưa được bảo trì, bảo dưỡng cũng là những nguyên nhân gây khó khăn trong việc xử lý vi phạm.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Đề án “Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính”.
Đề án được kỳ vọng đáp ứng yêu cầu áp dụng công nghệ vào xử phạt, quản lý an ninh trật tự, an toàn giao thông, giúp giảm áp lực công việc của lực lượng CSGT trên đường. Tuy nhiên, trước mắt, để dự án có thể mang lại hiệu quả như mong muốn, các cơ quan chức năng liên quan cần hoàn thiện văn bản về phạt nguội. Đặc biệt, cần quy định rõ việc các phương tiện không chấp hành quyết định phạt nguội sẽ không được phép kiểm định xe, xem đây như là một biện pháp chế tài quan trọng.
Ngoài ra, cần nghiên cứu áp dụng yêu cầu bắt buộc công dân đăng ký phương tiện phải kèm theo tài khoản ngân hàng, mục đích khi vi phạm, nếu không chấp hành nộp phạt sẽ tự động bị trừ tiền trong tài khoản. Tránh tình trạng chủ phương tiện khi bị phạt nguội “né” hoặc kéo dài thời gian nộp phạt. Bên cạnh đó, cần có quy định chặt chẽ về trách nhiệm ràng buộc giữa chủ sở hữu và người sử dụng phương tiện; yêu cầu chủ phương tiện làm thủ tục sang tên, chuyển chủ khi mua bán phương tiện.
Để sau mỗi dịp nghỉ lễ không phải là những con số thống kê “tăng đột biến” về tai nạn giao thông, đòi hỏi công tác đảm bảo an toàn giao thông phải thật căn cơ. Trong đó, những giải pháp cứng (phương tiện giám sát, quy định) phải thật sự cộng hưởng được với những giải pháp mềm (ý thức, trách nhiệm của người tham gia giao thông), và sự cộng hưởng ấy phải diễn ra thường xuyên, liên tục.