Tối 20-5, giá xăng tăng thêm 1.200 đồng/lít. Như vậy, kể từ ngày 5-5 đến nay, giá xăng đã tăng 2 lần với mức 3.150 đồng/lít - tăng trên 18%. Trước đó, ngày 11-3, giá xăng cũng đã từng tăng khá mạnh sau nhiều lần giảm với mức điều chỉnh tăng 1.610 đồng/lít.
Theo Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu tăng từ 10 ngày/lần lên 15 ngày/lần, giá cơ sở được tính toán trên cơ sở bình quân giá thế giới 15 ngày sát với ngày tính giá. Lý giải cho việc tăng giá vào tối 20-5, theo thông báo từ Bộ Công thương, giá xăng A92 thế giới ngày 18-5 đã lên gần 84 USD/thùng, khiến giá cơ sở chênh lệch khá lớn với giá bán.
Cụ thể, xăng RON 92 bán ra, doanh nghiệp lỗ 2.254 đồng/lít, xăng sinh học E5 lỗ 2.089 đồng/lít, dầu diesel 0,05S lỗ 1.070 đồng/lít, dầu hỏa lỗ 782 đồng/lít, dầu mazut 3,5S lỗ 1.127 đồng/kg. Chính vì vậy, để hài hòa giữa các bên, liên bộ Tài chính - Công thương đã quyết định áp dụng các biện pháp: giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, tăng mức trích Quỹ bình ổn giá và tăng giá xăng dầu.
Theo cơ quan điều hành, với mức tăng giá xăng dầu trong ngày 20-5 là nhằm thực hiện Nghị định 83 của Chính phủ là giá bán xăng dầu trong nước tiệm cận với giá xăng dầu thế giới, cũng như nhằm hỗ trợ chi phí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới.
Việc giá cả các mặt hàng, trong đó có xăng dầu, điện phải theo cơ chế thị trường, tránh bao cấp tràn lan là điều hợp lý vì nguồn lực không cho phép. Với giá xăng, điều này lại càng cần thiết, phải theo tín hiệu thị trường vì Việt Nam phải nhập khẩu xăng dầu (trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 30%). Tuy nhiên, việc tính toán, điều chỉnh ra sao lại còn cần thiết hơn để tránh gây ra những xáo trộn.
Ví dụ như việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít và áp dụng vào thời điểm xăng dầu biến động tăng giá cũng đã có những ảnh hưởng nhất định đến giá xăng dầu. Điều đó khiến cho người dân chưa được hưởng trọn niềm vui thời giá xăng dầu thấp trước đó đã phải chịu mức giá cao trở lại. Mặt khác, điều này cũng cho thấy công tác dự báo có những hạn chế nhất định. Hay như, điểm được nhìn tích cực nhất từ Nghị định 83 chính là nguyên tắc thị trường.
Thế nhưng, từ thời điểm trước Tết Nguyên đán Ất Mùi (từ ngày 5-2), giá xăng dầu đã có đến 5 lần giữ giá thông qua các biện pháp giảm trích, tăng chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu hay vừa tăng giá kết hợp tăng trích quỹ (ngày 11-3). Chính sự “kìm nén” này đã dẫn đến giá xăng ngày 5-5 tăng đến 1.950 đồng/lít trong khi “đáng lẽ” phải tăng đến gần 3.400 đồng/lít theo như lý giải của liên bộ Tài chính - Công thương. Và cũng như đã từng xảy ra trong quá khứ, khi giá bị kìm nén lại đặt trong bối cảnh nhiều biến động thì lần tăng giá sau đó thường gây sốc. Khi đó, tâm lý thị trường, người dân sẽ bị ảnh hưởng và việc kiểm soát tình trạng “té nước theo mưa” là khó khăn mà thực tiễn từ cước vận tải là minh chứng rõ nhất: xăng dầu giảm thì chây ỳ không giảm cước, còn khi xăng dầu tăng thì tăng cước rất nhanh.
Rõ ràng, với mặt hàng mang tính thị trường, lại có tác động xã hội lớn như xăng dầu thì việc tính toán, giám sát là hết sức cần thiết và chặt chẽ. Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, ở nước ta việc điều chỉnh giá xăng được thực hiện trong vòng 15 ngày, trong khi đó, giá xăng dầu các nước được điều chỉnh từng ngày. Bởi vậy, nên rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu, tạo thói quen cho người dân về sự lên, xuống. Chỉ như vậy mới không tạo ra những cú sốc về giá, tránh tạo hiệu ứng dây chuyền từ xăng dầu đến các mặt hàng khác.
Mặt khác, Quốc hội nên có một chuyên đề giám sát về giá xăng dầu, bởi đây là vấn đề thiết yếu trong đời sống hàng ngày. Còn theo đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Hà Nội), cần phải có sự công khai mặt hàng xăng dầu từ giá nhập, mức lỗ, lãi. Việc công khai giá, nguồn nhập… cùng với sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội thì việc giá xăng dầu biến động sẽ không gây sốc cho người tiêu dùng.
HÀ MY