Thiếu sân chơi, công nhân (CN) sau khi hết giờ làm việc chỉ biết trở về nhà trọ chật hẹp để ngủ vùi hoặc tìm đến quán nhậu, quán cà phê để giải trí giết thời gian. Không ít người dính vào những trò giải trí thiếu lành mạnh. Phải chăng TPHCM đang quá thiếu các địa chỉ vui chơi cho CN hay vì lý do nào khác?
Nhậu, đánh bài và... ngủ
Đến thăm một khu nhà trọ công nhân trên đường Trần Thanh Mại, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân vào ngày chủ nhật, các CN tại 27 phòng trọ tại đây đều nghỉ ở nhà. Có phòng, CN tụ tập đánh bài, phòng thì CN đang ngủ vùi, có nơi lại đang tổ chức nhậu…
Chị Nguyễn Thị Hòa, CN quê Hà Tĩnh, lý giải: “Một số CN do tối qua tăng ca đến hơn 10 giờ đêm nên giờ ngủ bù cho lại sức. Ngoài giờ đi làm, hầu như CN đều trở về phòng trọ chứ cũng chẳng biết đi đâu. Vào chủ nhật, chúng tôi lại tổ chức ăn uống chung cho vui. Một vài phòng có tivi thì mọi người kéo nhau đi xem ké”.
Phòng 24 rộng khoảng 10m² nhưng có đến 6 người chen chúc. Thiết bị giải trí của phòng chỉ là những chiếc điện thoại có chức năng nghe nhạc, mở cho vui cửa vui nhà. “Thường đối với nữ CN thì ngày chủ nhật tranh thủ ngủ nướng, rồi dậy đi chợ, nấu ăn, ăn xong rồi lại ngủ. Với nam CN thì ngày nghỉ thì rủ nhau ra quán cà phê, đánh bài, nhậu nhẹt. Có tiền thì ra quán, ít tiền hơn thì mua đồ về tự làm…”, chị Vũ Thị Vinh ở phòng bên cạnh xen vào.
Không chỉ ở trong nhà trọ, dọc theo đường Tây Thạnh, trước khu công nghiệp Tân Bình, quán nhậu mọc lên dày đặc. Mỗi chiều tan tầm, CN còn nguyên đồng phục đổ vào các quán nhậu, nhất là các thanh niên chưa lập gia đình. Quán nào cũng đông nghẹt người. Rượu vào lời ra, đã không ít trường hợp đâm chém nhau tại quán chỉ vì xích mích nhỏ. “Thật ra cũng chẳng biết đi đâu. Về phòng trọ thì chật hẹp nóng nực, đi chơi cũng chẳng biết chơi ở đâu và lại tốn tiền. Nhậu vỉa hè, người góp vài chục ngàn đồng là đủ, về nhà khỏi ăn cơm. Một số CN khác ra quán cà phê xem tivi, thậm chí cả giải trí không lành mạnh”, Nguyễn Văn Vĩnh, CN cơ khí trong Khu công nghiệp Tân Bình tiết lộ.
Chúng tôi theo một nhóm CN đến một quán cà phê không tên trên đường Nguyễn Thị Tú, bên ngoài có mấy nhóm CN đánh bài ăn tiền. Cô tiếp tân mồi chài: “Nếu các anh muốn “thư giãn” thì ra phía sau, giá hữu nghị cho CN, yên tâm đi, không lấy mắc đâu, khách quen cả mà”.
NVH lao động vắng người lao động
Mặc dù CN ai cũng kêu rằng thiếu sân chơi, nhưng chẳng mấy ai tìm đến nhà văn hóa (NVH) các quận, huyện để vui chơi, giải trí. NVH Lao động quận Bình Tân khá hoành tráng gồm 1 trệt, 1 lầu, có hội trường khoảng 500 chỗ được xây dựng trên khu đất gần 5.000m². Dù chỉ nằm cách xóm nhà trọ chưa đầy 500m nhưng khi hỏi các CN đều trả lời mơ hồ: “Không biết trong đó làm gì, thấy đóng cửa hoài”. Đến nay, NVH chủ yếu hoạt động đội nhóm như cử tạ, thể hình, võ thuật, dạy ngoại ngữ và cho thuê tiệc cưới, quán cà phê... “Nói là NVH lao động, nhưng tôi thấy không dành cho lao động. Bình Tân là địa phương có hàng trăm ngàn lao động phổ thông nhưng NVH toàn tổ chức các lớp học khí công, yoga, cử tạ, thể hình nam, võ thuật, cờ tướng, múa ba lê, dân gian, tin học, ngoại ngữ… mà lớp nào cũng phải đóng bộn tiền, trong lúc chúng tôi cần giải trí nhẹ nhàng sau những giờ lao động mệt nhọc. Còn nếu muốn giúp CN học, NVH phải mở lớp ngoài giờ, chứ nếu chỉ chiêu sinh trong giờ hành chính, CN muốn tham gia cũng không được!” - anh Hồ Công Kiều, CN Công ty Pouyen, giãi bày.
NVH Lao động huyện Bình Chánh được khánh thành cách đây chưa lâu và chỉ cần nói đến địa điểm xây dựng là đã bất hợp lý. Huyện Bình Chánh có 2 khu công nghiệp tại xã Vĩnh Lộc A và Lê Minh Xuân nhưng NVH Lao động lại được xây ở xã Tân Quý Tây, cách đó hơn 10km! Đó là chưa kể các chương trình hoạt động cũng chẳng ăn nhập gì đối với nhu cầu văn hóa, giải trí của CN. Cũng các lớp học về võ thuật, nữ công gia chánh, cho thuê đám cưới... Hay NVH Lao động quận Thủ Đức rộng hơn 1.400m² nhưng lại đặt cách khá xa các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn nên CN đến sinh hoạt rất ít, chủ yếu là cư dân địa phương và sinh viên tham gia. Để có nguồn nuôi sống NVH, nơi đây chủ yếu cho thuê mặt bằng tổ chức cưới, hội nghị khách hàng, sân bãi làm chỗ giữ xe hơi… NVH Lao động quận 7, nằm ngay khu CN đông đúc nhưng cũng đìu hiu không kém. Tại đây tổ chức dạy tin học và luyện thi đại học hoặc cho thuê tổ chức đám cưới là chính.
Một cán bộ quản lý NVH thừa nhận, thời gian gần đây, TPHCM đã cho xây dựng nhiều NVH Lao động nhưng chưa đưa ra được quy chế hoạt động. Ngoài tiền đầu tư xây dựng mỗi NVH từ 4 - 8 tỷ đồng là của nhà nước, kinh phí mua trang thiết bị, kinh phí hoạt động lại tùy thuộc vào từng địa phương. Hiện nay, hoạt động thế nào, thu chi như ra sao, kinh phí từ đâu, mỗi quận đều tự mày mò tìm hướng đi và tự tìm nguồn kinh phí hoạt động. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến hoạt động của các NVH hiện nay chưa hiệu quả, khó thu hút CN tham gia.
HỒ THU