
Vào những ngày đầu năm mới, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Thường trực Sở Nội vụ TPHCM, Tổ phó tổ Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính xoay quanh kết quả đạt được trong năm 2010 và những mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2011. Ông Lê Hoài Trung cho biết:
Năm 2010, nhiều nội dung của Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước (Đề án 30) được TPHCM triển khai đồng bộ, quyết liệt, đảm bảo chất lượng và tiến độ theo quy định. Nhiều sở ngành, quận huyện đã đầu tư ứng dụng nhiều mô hình và phương thức quản lý mới trong quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính, đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ và cung cấp dịch vụ hành chính cho tổ chức và công dân một cách tốt nhất.
Việc kiện toàn bộ máy chính quyền, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan hành chính Nhà nước ở TP đã có tiến bộ nhất định; hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên; chức năng, nhiệm vụ giữa các ngành các cấp được làm rõ hơn; trách nhiệm và quyền hạn được tăng thêm…

Tiếp dân làm thủ tục hành chính tại quận 1. Ảnh: VIỆT DŨNG
* Phóng viên: Thế nhưng, trong một số lĩnh vực, công tác cải cách thủ tục hành chính chưa mang lại kết quả như mong muốn?
* Ông LÊ HOÀI TRUNG: Mặc dù quy trình, thủ tục hành chính đã được rà soát, điều chỉnh nhưng vẫn còn gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp (DN) khi đến liên hệ, giải quyết công việc với cơ quan quản lý nhà nước, nhất là ở lĩnh vực đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách; thẩm định quy hoạch chi tiết, thỏa thuận quy hoạch kiến trúc; cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở; điều chỉnh dự án đầu tư, thanh toán, nghiệm thu công trình xây dựng cơ bản.
Kỷ luật, kỷ cương trong một số cơ quan hành chính còn lỏng lẻo; hiệu lực quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế, yếu kém; thái độ phục vụ của cán bộ, công chức trong giải quyết công việc cho người dân và DN còn hiện tượng nhũng nhiễu, né tránh, sợ trách nhiệm, thờ ơ trước những bức xúc của người dân… Đây là những vấn đề cần tiếp tục giải quyết.
* Người dân và báo chí đã phản ánh nhiều về tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực của của cán bộ, công chức tại các cơ quan hành chính, song việc xử lý kỷ luật còn quá ít?
* Đúng là chúng ta vẫn còn xem nhẹ khâu kiểm tra, phát hiện nên việc xử lý, kỷ luật những cán bộ “hành” dân còn rất ít. Vừa qua, Báo SGGP có bài viết phản ánh những trì trệ, không chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính tại một số địa phương. Sau khi báo đăng, Văn phòng UBND TP đã chỉ đạo đi kiểm tra thực tế và phát hiện đúng như những gì mà bài báo nêu.
Vì vậy, năm 2011, TP chọn công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm khâu đột phá trong cải cách thủ tục hành chính. Nội dung trọng tâm của công tác này là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của TP với số lượng phù hợp, cơ cấu hợp lý, có trình độ chuyên môn, có phẩm chất đạo đức, có tinh thần trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập.
* Để hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong cán bộ, công chức tại các cơ quan hành chính, TP có những giải pháp gì, thưa ông?
* TP đề ra 4 giải pháp cơ bản, trong đó giải pháp hàng đầu là tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kiểm soát đầu mối công việc trong nội bộ các cơ quan hành chính để phát hiện kịp thời các nguy cơ dẫn đến tiêu cực, quan liêu và tham nhũng. Kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, gây phiền hà, nhũng nhiễu, có thái độ cửa quyền, hống hách trong thực thi công vụ; chấm dứt tình trạng tự đặt ra thủ tục gây phiền hà dân.
Qua đây, chúng tôi cũng đề nghị báo chí thường xuyên có nhiều bài viết phản ánh thực tế tại các cơ quan hành chính, một mặt động viên, cổ vũ những đơn vị làm tốt; đồng thời phê phán và phát hiện những cá nhân, đơn vị thực hiện chưa nghiêm các nội dung của công tác cải cách thủ tục hành chính năm 2011.
HOÀI NAM thực hiện