
Những năm sau giải phóng, trong số 3 triệu người Sài Gòn – TPHCM, có hơn một nửa nằm trong diện đói nghèo, đặc biệt là vùng nông thôn ngoại thành. Có nơi như huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi có đến hơn 80% hộ nghèo, nhà tranh vách đất. Trước khi có Nghị quyết xóa đói giảm nghèo (XĐGN) của Đảng bộ TPHCM vào tháng 10-1991, cuộc tiến công chống giặc đói, giặc nghèo với quy mô toàn xã hội đã thực sự diễn ra với những mô hình và phương thức tạo điều kiện cho người nghèo thoát nghèo, vươn lên.
- Xóa đói giảm nghèo từ sức dân

Trẻ em vùng nghèo huyện Nhà Bè đã có Nhà văn hóa khang trang. Ảnh: THÁI BẰNG
Chị Ba Vân (tức Lê Thị Suông), nguyên Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM những năm 1980 nhớ lại thời kỳ đói quay quắt của các huyện ngoại thành không chỉ vào mùa giáp hạt, mà hầu như tháng nào, xã nào cũng có người đói, hoặc thiếu ăn.
Địa bàn được TP chọn để thí điểm xóa đói giảm nghèo đầu tiên là ấp Cây Sộp, một xóm dân cư nghèo nằm sát thị trấn huyện Củ Chi. Ứng dụng 5 bước công tác vào thực tế: điều tra, tuyên truyền, huấn luyện, tổ chức, thực hành – mô hình nhóm giúp người nghèo lần đầu tiên ra đời với chưa đầy chục hộ.
Vốn không, kinh nghiệm không nhưng bù lại những cán bộ đi xóa nghèo đầu tiên của thành phố như chị Ba Vân lại biết cách vận động người dân theo kiểu tình làng nghĩa xóm, đoàn kết tương trợ: người khá cho mượn con heo giống, bầy gà con, hoặc chiết cành cây ăn trái hỗ trợ; người không có cây, con thì chỉ kiến thức, kinh nghiệm làm ăn.
Hơn nửa năm sau, gần chục hộ nghèo đã có thu hoạch, trả được “vốn” tiếp tục gầy dựng lứa hai, lứa ba… Nhiều người còn có dư sửa lại mái nhà-mà nhà cũng lại nhờ “tình làng nghĩa xóm”- người góp công, người góp cây, tôn, gạch… Và thế là coi như thoát được nghèo!
Thắng lợi bước đầu tại ấp Cây Sộp theo mô hình nhóm giúp người nghèo nhanh chóng được lan sang 8/ 10 xã, thị trấn của huyện Củ Chi, rồi sau đó đến Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh…với hàng ngàn hộ nghèo thoát ra khỏi diện nghèo. Cái được lớn nhất từ mô hình nhóm giúp người nghèo như chị Ba Vân đúc kết, đó là: Người giúp yên tâm vì hiệu quả thấy được ngay; còn người nhận được sự giúp đỡ thấy mình có trách nhiệm hơn nên phải chịu thương, chịu khó gắn bó với đồng vốn mà mình được giúp.
Một cái được khác nữa mà ai cũng nhận thấy trong mỗi xóm làng còn nhiều khó nghèo là tình người, sự sẻ chia trách nhiệm và gắn bó giúp đỡ nhau trong cộng đồng.
- Xã hội hóa các phong trào XĐGN
Vào thời điểm năm 1990, mức chênh lệnh giữa giàu, nghèo tại thành phố vẫn còn khá cao (gần 7 lần). Tại Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ V, lần đầu tiên một nghị quyết về XĐGN được ra đời với mục tiêu đưa 120 ngàn hộ gia đình nghèo vượt nghèo để có cuộc sống ổn định và phát triển. Chỉ gần 1 năm sau, nghị quyết đã đi vào cuộc sống với những phong trào rộng khắp trên các địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học, xí nghiệp… cùng nhau góp sức bằng nhiều phương thức hỗ trợ người nghèo thoát nghèo.
Từ những mô hình trợ giúp người nghèo đã có sẵn tại các khu dân cư, phương thức trợ vốn qua chương trình cho vay XĐGN đã được các ngân hàng và các tổ chức đoàn thể xã hội vào cuộc với số tiền mỗi năm gần 300 tỷ đồng. Nhờ có vốn, có kinh nghiệm và có nguồn lực tham gia xóa nghèo, mục tiêu đến năm 1995 (nhân kỷ niệm 20 năm giải phóng miền Nam) TPHCM xóa hết được hộ đói đã trở thành hiện thực.
Bước vào giai đoạn 2 với yêu cầu đề phòng tái đói, mở rộng diện giảm nghèo bằng các hình thức làm ăn hợp tác, phong trào XĐGN ở thành phố có thêm một nguồn lực mới từ cuộc vận động “Vì người nghèo” với sự tham gia của các giới và các tầng lớp nhân dân toàn xã hội.
5 năm, tổng số tiền thu hút trong dân tham gia xóa nghèo được hơn 170 tỷ đồng, thiết thực cùng chăm lo cho người nghèo qua các chương trình: xây dựng nhà tình thương, làm nhà vệ sinh tự hoại, gắn điện kế, tặng học bổng và phương tiện cho các em học sinh đã góp phần làm chuyển hóa cơ bản bộ mặt tại 20 phường, xã nghèo của thành phố. Cuối năm 2003, thành phố vui mừng thông báo với cả nước đã cơ bản xóa hết hộ nghèo – trở thành địa phương đi tiên phong trong cuộc tiến công chống lại giặc đói, giặc nghèo.
Là người luôn trăn trở với chương trình XĐGN ngay từ khi khởi xướng và kể cả những năm sau này khi không còn giữ trọng trách Bí thư Thành ủy TPHCM, đồng chí Võ Trần Chí vẫn luôn xác định quan điểm: XĐGN là một trong những nội dung quan trọng của CNXH và là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta.
Từ thực tế phong trào XĐGN, đồng chí nhận định: “Công cuộc tiến công vào đói nghèo ở TPHCM từ diện hẹp cá nhân và hộ gia đình nghèo đã chuyển sang cách giải quyết vấn đề vượt nghèo cho một diện rộng hơn mang tính cộng đồng và mở rộng ra cả khu vực và cả nước – biến những người nghèo thành một lực lượng sản xuất vật chất cho xã hội. Đó là một cuộc cách mạng xã hội sâu sắc nhằm biến đổi tận gốc xã hội đói nghèo mà tư tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra”.
PHẠM HOÀI NAM
Số hộ nghèo được thụ hưởng từ chương trình XĐGN 1992 - 2003 - Số lượt thẻ khám chữa bệnh miễn phí và được cấp BHYT: 1.416.625 Hỗ trợ vốn cho người nghèo trong năm 2004 |