Công ty Anco (Ba Vì, Hà Nội): Sản xuất sữa tiệt trùng nhiễm melamine

Gần 300 mẫu sữa và sản phẩm từ sữa trên thị trường Việt Nam không có melamine

(SGGP). - Chiều 1-10, Sở Y tế Hà Nội đã họp báo về kết quả kiểm tra sữa. Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra sở Y tế Hà Nội,  kết quả xét nghiệm 4 mẫu sữa và sản phẩm làm từ sữa do Thanh tra Sở Y tế Hà Nội lấy mẫu trong đợt kiểm tra vừa qua và Viện dinh dưỡng Quốc gia thực hiện cho thấy, sữa bột gầy New Zealand của Vinamilk, sữa Whey powder Anco, sữa cô đặc của cơ sở Ất Thảo (Tả Lĩnh, Ba Vì) không có melamine.

Tuy nhiên, xét nghiệm mẫu sữa Anco Full cream milk (sữa bột nguyên kem) cho kết quả hàm lượng melamine là 203microgam/kg. Đây là nguyên liệu sữa do Công ty Anco (Ba Vì) nhập từ Công ty Hoàng Lâm (Hà Nội).

Còn Công ty Hoàng Lâm nhập từ Công ty Weihai Jinbao Dairying & Quingdao Suncare Nutritinonal Technology (Trung Quốc) với khối lượng 42 tấn. Trong đợt thanh tra mới đây,  Sở Y tế Hà Nội đã niêm phong 2 tấn sữa bột nguyên kem này tại kho của Công ty Anco ở Ba Vì.

Ông Cường cũng cho biết, 42 tấn nguyên liệu sữa nguồn gốc Trung Quốc do Hoàng Lâm nhập đã bán hết. Trong đó, Công ty Anco nhập 23,9 tấn; Công ty cổ phần sữa Hà Nội (Hanoimilk) nhập 17 tấn, còn  hơn 1 tấn sữa bị rách bao bì, hư hỏng thì Hoàng Lâm đã tự tiêu hủy từ ngày 29-4. Anco đã sử dụng nguyên liệu sữa nguyên kem bị nhiễm melamine để sản xuất sản phẩm sữa tiệt trùng.

Tuy nhiên, Anco cho biết, từ tháng 7-2008, công ty đã ngừng sản xuất sữa tiệt trùng nói trên. Những sản phẩm khác của Anco như sữa tươi mua từ sữa bò tươi nguyên chất ở Ba Vì và sữa chua làm từ nguyên liệu sữa bột không có melamine.

Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu,  Anco phải thông báo cho khách hàng để thu hồi sản phẩm về công ty. Trong vòng một tuần nữa phải báo cáo lên Sở y tế để tiêu hủy số sữa tiệt trùng thu được và 2 tấn sữa nguyên liệu đang niêm phong ở kho của công ty tại Ba Vì.

* Trưa 1-10, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Tân Phú thuộc Chi cục QLTT TPHCM phối hợp cùng cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất xe tải 51LD-5298 đang đậu trước sân nhà số 205 Lê Lâm (P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú), phát hiện, thu giữ gần 200 hộp, bịch sữa bột và nguyên liệu sữa đã hết hạn sử dụng từ năm 2006-2007.

Tất cả số sữa trên mang nhãn hiệu Bonny, Đôrêmon, Max Grow và ghi nơi sản xuất là Công ty Chế biến lương thực thực phẩm Vạn Niên (số 47/3 Trần Hưng Đạo) và Công ty chế biến lương thực thực phẩm C.M.B (số 31A đường Dân Tộc P.Tân Thành, Q.Tân Phú).

Ông Lê Mạnh Cường, Giám đốc Công ty Vạn Niên, thừa nhận số sữa này đã hết hạn và chuẩn bị chở đi cho một người bạn ở tỉnh Bình Phước dùng để nuôi heo (!?). 

* Ngày 1-10, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Trưởng phòng Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm Sở Y tế TPHCM, cho biết đã có 5 doanh nghiệp gửi phiếu kết quả kiểm nghiệm với hơn 80 sản phẩm sữa về Sở Y tế sau khi kiểm nghiệm chất melamine và tất cả 80 mẫu sữa này đều âm tính với độc chất này.

Trong đó có 2 doanh nghiệp với số lượng sản phẩm lớn nhất là Vinamilk và Nutifood. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, việc doanh nghiệp công bố sản phẩm sữa âm tính với melamine chỉ để tham khảo, Sở vẫn hậu kiểm cả khi doanh nghiệp đã công bố sản phẩm sữa của mình không có độc chất melamine.

* Chiều 1-10, đại diện hệ thống siêu thị Co.opMart cho biết, Công ty cổ phần bánh kẹo Phạm Nguyên đã thông báo các nguyên liệu và sản phẩm của công ty không có melamine. Căn cứ trên kết quả này, hệ thống Co.opMart sẽ tiếp tục bán trở lại các sản phẩm của Phạm Nguyên.

Trước đó ngày 26-9, Co.opMart đã rút khỏi quầy các sản phẩm của Phạm Nguyên vì nghi ngờ có sử dụng nguyên liệu sữa bột từ Trung Quốc.

Các sản phẩm bánh kẹo bị ngưng bán trước đó, được nhập khẩu từ Trung Quốc như M&M, Dove chocolate, Snickers (do Công ty Kim Liên phân phối) vẫn chưa được các siêu thị bán trở lại. Theo các siêu thị, chỉ khi nào có kết quả kiểm nghiệm từ các cơ quan chức năng thì mới tiếp tục bán các sản phẩm  trên.

Tr.Kiên - L.Phong - T.Lâm - Th.Hải

Gần 300 mẫu sữa và sản phẩm từ sữa trên thị trường Việt Nam không có melamine

Ngày 1-10, Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tiếp tục công bố danh sách 25 loại sữa và sản phẩm từ sữa qua xét nghiệm không có melamine, nâng tổng số các mẫu sữa và sản phẩm từ sữa không có melamine ở Việt Nam lên gần 300 loại.

Cùng ngày, Tổ Chức Y tế thế giới (WHO) đã gửi đến Bộ Y tế Việt Nam danh sách 65 sản phẩm có melamine, bao gồm sản phẩm sữa cho trẻ sơ sinh, các loại kẹo, bánh snack, sữa nước, sữa chua, thực phẩm tráng miệng đông lạnh… đã được các cơ quan kiểm định chất lượng thực phẩm ở New Zealand, HongKong, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc xác định có chất melamine.

Kh.Nguyễn - Q.Khánh

Tin cùng chuyên mục