Đầu tư cho các tác phẩm nghệ thuật qua các hoạt động mua bán, trao đổi, sưu tập… là kênh đầu tư khôn ngoan, hiệu quả không thua kém (có khi còn hơn) các kênh đầu tư truyền thống khác như nhà đất, chứng khoán, mua bán vàng bạc, ngoại tệ. Có thể ví von các nhà sưu tập tác phẩm nghệ thuật như kẻ bước vào cuộc hôn nhân hoàn hảo, vừa có miếng (giá trị kinh tế), vừa có tiếng là lãng mạn, yêu không vụ lợi, yêu một đối tượng… càng già (cổ) càng có giá.
Ở nước ngoài, sưu tập là một phương thức đầu tư có từ xa xưa, được công nhận là cách giữ vốn và sinh lợi “trên cả tuyệt vời”. Vì tình yêu nghệ thuật, không có cảnh bán tống bán tháo mặt hàng như từng có trên thị trường chứng khoán mỗi khi cổ phiếu ngập tràn “sắc đỏ” hay thị trường bị tác động của các yếu tố thuộc về địa - chính trị như nội chiến ở Syria, xung đột Nga - Ukraine, các chứng cứ khoa học mới về sự nóng lên của khí hậu toàn cầu…Ngược lại, không hiếm khi, các nhà sưu tập sẵn lòng mua các tác phẩm mình thích dù biết về sau này chưa chắc đã bán được bằng giá mua vào. Và chỉ có thể nói rằng sự ổn định là đặc trưng của thị trường nghệ thuật với 2 yếu tố đã liệt kê ở trên là sự tính toán và cảm hứng. Ngoài ra, không thể không nói đến “chân thứ ba” là tác động trên cả tích cực của hệ thống truyền thông đa phương tiện. Ai từng đọc/nghe một bài bình luận chê bai một triển lãm hay ra mắt bộ sưu tập mới? Không và không.
Người ta chỉ viết về các hợp đồng mua bán thành công, về các kỷ lục mới được thiết lập và càng nhiều kỷ lục càng thúc đẩy người đời mua nhiều hơn nữa các tác phẩm nghệ thuật. Khi bức tranh "Đấng cứu thế” của Leonardo de Vinci được bán với giá 450 triệu USD (nếu tính cả phụ phí thì còn cao hơn nữa) cách đây 2 năm, ngay sau đó, các nhà buôn tranh đã đổ xô đi mua các bức vẽ thời phục hưng, kể cả các tác phẩm ra đời muộn hơn của thời kỳ ấn tượng, hậu ấn tượng. Và không nói đâu xa, ngay tại Việt Nam, lúc hay tin về vụ đấu giá kỷ lục trị giá 60 tỷ đồng tại cuộc đấu giá lô tác phẩm của các cây cọ Trường mỹ thuật Đông Dương ở Paris (Pháp), các họa phẩm ít ỏi của lớp họa sĩ tiền thân này liền được săn lùng, tìm mua với những cái giá không tưởng. Thậm chí, người ta còn tổ chức hẳn một cuộc triển lãm rình rang tại một khách sạn sang trọng bậc nhất TPHCM chỉ để giới thiệu các bức ký họa xưa mà chất lượng - nói một cách khiêm tốn - chỉ ở mức… tranh truyền thần hay như ta hay nói là “tranh Bờ Hồ”.
Nhưng có thật là đầu tư kênh nghệ thuật thì chỉ có “hòa và phát” trở lên? Một nhà sưu tập tranh giấu tên từng tham gia các cuộc đấu giá trong và ngoài nước thổ lộ rằng phần lớn là vậy, thị trường nghệ thuật lúc trầm, lúc thăng. Nếu không bán được thì nhà sưu tập có thể mua lại với giá sàn để chờ 5, 7 tháng sau bán lại với giá cao hơn, nghĩa là tuân thủ nguyên tắc thị trường “mua rẻ, bán đắt”. Một đặc điểm nhận dạng nữa là trong các cuộc đấu giá, “động cơ” để đẩy giá lên thường bắt đầu từ các lô hàng đắt giá nhất được bán xong, đến các lô tầm tầm, bậc trung khác và không phải ngẫu nhiên các “đại gia” đấu giá hàng đầu như Sotheby's, Christie's thường chăm chút kỹ lưỡng, cố gắng thu hút các mặt hàng độc về chất lượng và giá cả. Nó giống như đầu kéo, công suất càng lớn càng đẩy cả toa tàu đi nhanh hơn. Cho nên người đời nói đúng: Nghệ thuật là… vô giá, cái tưởng vứt bỏ hôm nay lại là “bestseller” của ngày mai. Có ai ngờ một chai rượu thương hiệu tên tuổi sản xuất năm 1926, nay được đấu giá tới gần nửa triệu USD. Nghĩa là bạn cứ mua một chai, không uống trong hơn nửa thế kỷ… để sau đó đem đi đấu giá sẽ đủ sống sung túc cả đời, biết đâu đấy…?!
Chúng ta mới chập chững bước vào thị trường nghệ thuật, với khó khăn đủ bề, từ cơ chế chính sách, cơ sở hạ tầng đến nguồn nhân lực có trình độ thẩm định..., nhưng không gì là không thể nếu biết trân trọng cái mới, biết tìm những ý tưởng sáng tạo “chỉ có ở Việt Nam”. Qua rồi cái thời kỳ nhìn đâu cũng thấy những tác phẩm nghe nhìn “đèm đẹp” với hoa hoét, thiếu nữ áo dài, người và cảnh miền núi…, đã đến lúc tĩnh tâm lại, lục tìm quá khứ, nhìn về tương lai để làm bật bản sắc dân tộc. Cần nhớ rằng tương quan thị trường nghệ thuật hiện nay là 90% cái cũ, cổ và 10% - các tác phẩm hiện đại như nghệ thuật trình diễn (performance art), nghệ thuật sắp đặt (installation art), nghệ thuật thân thể (body art), những thứ phi vật thể mà ta không sờ mó được, chỉ có cảm nhận nội tâm. Ở ta, đó là xu hướng mới và người khởi xướng là nghệ sĩ - họa sĩ Đào Anh Khánh. Trong cuộc trình diễn “Đáo xuân 9” tại một thung lũng rộng 50ha tại Hòa Bình vào ngày 23-3, anh đã quy tụ tới 250 nghệ sĩ nước ngoài đến từ 27 nước và 50 nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam để giới thiệu nghệ thuật nghe - nhìn đương đại với cách tiếp cận rất Việt Nam. Để tổ chức một gala nghệ thuật như vậy, người nghệ sĩ đã phải bỏ ra cả chục tỷ đồng, mà theo anh “50% là từ tiền bán tranh cá nhân, còn lại từ mạnh thường quân và đóng góp riêng của các nghệ sĩ”. Nhưng Đào Anh Khánh không đơn độc trong cuộc chơi trình diễn vì hẳn anh đã tính toán sẽ thu lời sau từ cái vô hình, phi vật thể mà nhiều người nói “điên mới làm”. Vì đơn giản, thị trường nghệ thuật nhiều khi chấp nhận mua ý tưởng sáng tạo với cái giá không tưởng, như nghệ sĩ gốc Đức Tino Sehgal đã bán “bức tranh” có tên “Nụ hôn” với giá gần 2 triệu USD cho Bảo tàng Pompidou ở Pháp, mà “tranh” này chỉ có… 2 nghệ sĩ múa thực hiện động tác ôm hôn các tác phẩm mang tên “Nụ hôn” của các đại danh họa Rodin và Gustav Klimt. Đó chính là nghệ thuật từ không có gì thành có gì!
Cái chính vẫn là tài năng, sự khát khao vươn tới nghệ thuật đỉnh cao của người nghệ sĩ. Nghệ thuật luôn là mảnh vườn màu mỡ cho sáng tạo và… bán sáng tạo, bất chấp các biến động thời cuộc.