Đại biểu Quốc hội: Các bộ, ngành đặt mình vào vị trí người dân để tháo gỡ khó khăn

Từ câu chuyện thực tế, ĐB Quốc hội Đinh Ngọc Quý (tỉnh Gia Lai) mong các bộ, ngành đặt địa vị mình vào vị trí người dân, nơi xảy ra những vướng mắc, khó khăn để trả lời, giải quyết các kiến nghị của người dân thấu đáo, gỡ được khó khăn, vướng mắc thực sự.

Chiều 26-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Giải quyết chứ không giải thích

Đại biểu (ĐB) Đinh Ngọc Quý (tỉnh Gia Lai) cho rằng, cử tri không hài lòng về trả lời của một số bộ ngành, địa phương bởi những trả lời, phản hồi chung chung không giải quyết cụ thể vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị. Những trả lời cử tri dạng này không thể làm hài lòng, cử tri tiếp tục kiến nghị.

ĐB Đinh Ngọc Quý. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Đinh Ngọc Quý. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trịnh Xuân An (tỉnh Đồng Nai) quan tâm đến chất lượng trả lời cử tri của các bộ ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan. Đa số trả lời kiến nghị cử tri là giải trình và cung cấp thông tin. ĐB cho rằng cần phải trả lời rõ ràng. Cùng với đó, xây dựng cơ sở dữ liệu và giám sát tiến độ, kết quả trả lời cử tri.

Đồng tình, ĐB Võ Thị Minh Sinh (tỉnh Nghệ An) cho rằng, giải quyết kiến nghị cử tri phải đi vào thực chất, đúng bản chất và nâng cao chất lượng phản hồi. Trong đó, rà soát đầy đủ việc giải quyết kiến nghị cử tri đang trong quá trình tiếp thu, nghiên cứu, giải quyết từ các kỳ hợp trước. Đồng thời hạn chế thấp nhất tỷ lệ giải thích, giải đáp hay cung cấp thông tin.

ĐB Trịnh Xuân An. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trịnh Xuân An. Ảnh: QUANG PHÚC

Nêu thực tế, ĐB Đinh Ngọc Quý nói, người dân tiếp tục gặp khó khăn, vướng mắc trước những việc rất đơn giản trong đời sống hàng ngày. Trong khi cán bộ ở địa phương cũng không biết giải quyết thế nào khi các quy định pháp luật còn chồng chéo, chưa rõ ràng, thiếu hướng dẫn, trả lời cụ thể từ cấp trên có thẩm quyền.

ĐB dẫn chứng, người dân san lấp đất xây nhà nhưng không biết đổ xà bần đi đâu vì sợ vi phạm luật. Chính quyền địa phương cũng không biết giải quyết thế nào cho người dân. Đồng bào ở các tỉnh Tây Nguyên sinh sống ngay cạnh sông suối nhưng vật liệu xây dựng thông thường để xây dựng nhà ở, công trình dân sinh phục vụ sản xuất cũng gặp khó khăn, vướng mắc.

Nhiều tỉnh thành, trong đó có các tỉnh ở Tây Nguyên thiếu nguyên vật liệu xây dựng các công trình trọng điểm thiếu, các công trình xây dựng nhà ở dân sinh cũng thiếu. Những quy định liên quan đến quản lý môi trường, tài nguyên, khoáng sản... còn bất cập nhưng kiến nghị hàng chục năm vẫn chưa sửa.

Từ câu chuyện thực tế này, ĐB Đinh Ngọc Quý mong các bộ, ngành đặt địa vị mình vào vị trí người dân, nơi xảy ra những vướng mắc, khó khăn để trả lời, giải quyết các kiến nghị của người dân thấu đáo, gỡ được khó khăn, vướng mắc thực sự.

Kiến nghị nâng phụ cấp cho cán bộ cơ sở

ĐB Hoàng Quốc Khánh (tỉnh Lai Châu) cho rằng, nhiều kiến nghị của cử tri chưa được xem xét giải quyết. Trong đó, qua tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, có trên 40 tỉnh thành phố trong cả nước đề nghị Chính phủ sớm xem xét sửa đổi Nghị định 34 ban hành từ năm 2019 về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

ĐB Hoàng Quốc Khánh. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Hoàng Quốc Khánh. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo ĐB, hiện nay có nhiều xã đông dân cư, nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn. Cùng với đó, công việc phân cấp cho cơ sở nhiều nhưng biên chế chỉ tối đa 23 người. Do vậy, thực tế hiện nay số lượng biên chế ở những nơi này là chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.

Theo ĐB, cử tri đề nghị tăng mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; đồng thời đề nghị bổ sung chức danh công chức Văn phòng Đảng ủy cấp xã. Đồng thời, đề nghị tăng chế độ phụ cấp cho giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế còn khó khăn.

ĐB Võ Thị Minh Sinh. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Võ Thị Minh Sinh. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Võ Thị Minh Sinh cũng nhắc lại nội dung cử tri tỉnh Nghệ An đã kiến nghị từ những kỳ họp trước, đó là tồn tại vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện Bản Vẽ.

Để làm dự án này, có hơn 3.000 hộ dân (trên 14.000 nhân khẩu) đã bàn giao mặt bằng làm dự án từ năm 2010. Tuy nhiên đến nay, suất bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án vẫn chưa giải quyết dứt điểm và thời hạn kéo dài.

ĐB cho biết, cuộc sống của người dân còn bộn bề thiếu thốn, cảnh sống tạm bợ của một số hộ dân sau khi di dời, bàn giao mặt bằng.

"Vẫn còn đó tình trạng người dân sống thấp thỏm lo âu mỗi mùa mưa bão tới, sự đợi chờ hy vọng của người dân và cả những người đã khuất mang để lại sự day dứt cho gia đình, người thân và cả chúng tôi những đại biểu Quốc hội”, ĐB Võ Thị Minh Sinh nói và đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm chủ trì cuộc họp với các bộ ngành liên quan để giải quyết dứt điểm các tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân.

Tin cùng chuyên mục