Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PC&CC TPHCM: Cảnh sát PCCC sẽ có mặt tức thời, ngay khi xảy ra sự cố

Cùng xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt
Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PC&CC TPHCM: Cảnh sát PCCC sẽ có mặt tức thời, ngay khi xảy ra sự cố

Đại tá Lê Tấn Bửu

Đó là chia sẻ của Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PC&CC TPHCM (ảnh) về chặng đường hoạt động sắp tới của lực lượng. Đại tá Lê Tấn Bửu khẳng định: Nếu được quan tâm thực hiện đầy đủ như nội dung dự án Quy hoạch ngành PCCC trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, thì trong vòng 10 năm tới, Cảnh sát PC&CC TPHCM có thể cam kết với người dân, là sẽ có mặt tức thời, không quá 10 phút, dù xảy ra bất kỳ sự cố gì, ở đâu trên địa bàn thành phố.

Cùng xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt

* Nhìn lại thành quả và sự ghi nhận của người dân TPHCM đối với lực lượng Cảnh sát PC&CC TPHCM trong 10 năm qua, đồng chí có thể “phác họa” bức tranh toàn cảnh về diện mạo của Cảnh sát PCCC đầu tiên trong cả nước thời gian tới sẽ như thế nào không?

- Đại tá LÊ TẤN BỬU: Là một người gắn bó với lực lượng Cảnh sát PC&CC TPHCM ngay từ những năm đầu mới giải phóng, tiếp đó là những bước đi chập chững và đến giờ này là bộ máy tương đối hoàn thiện, tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng Cảnh sát PC&CC TPHCM sẽ tiếp tục phát triển không ngừng về mọi mặt. Sự phát triển ở đây gắn chặt với việc thực hiện Quy hoạch ngành PC&CC trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, đã được Chủ tịch UBND TPHCM ký ban hành ngày 18/7/2016.

- Chúng ta cùng phóng cái nhìn đến năm 2025 xem có gì? Lúc đó, hệ thống tổ chức của Cảnh sát PC&CC TPHCM được phủ kín ở 24 quận huyện với đầy đủ 24 Phòng Cảnh sát PCCC. Cùng với đó, có ít nhất từ 50 đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ vệ tinh, xoay quanh các Phòng PCCC quận, huyện, tạo thành một mạng lưới được rút ngắn bán kính hoạt động, đảm bảo đến đám cháy nhanh nhất và chữa cháy hiệu quả nhất. Trên cơ sở đó, Cảnh sát PC&CC TPHCM có thể mạnh dạn cam kết với người dân rằng, chúng tôi sẽ có mặt tức thời, không quá 10 phút, dù xảy ra bất kỳ sự cố gì, ở đâu trên địa bàn thành phố, kể cả những nơi xa xôi như huyện Củ Chi hay Cần Giờ.

Đi liền với tổ chức là nguồn nhân lực, bước đường 10 năm tiếp theo đòi hỏi tính chuyên nghiệp phải được nâng cao trong từng CB-CS. CB-CS nâng cao tính chuyên nghiệp bằng cách tôi luyện trong môi trường công tác và chiến đấu. Nguồn nhân lực lúc đó sẽ đủ về bộ máy quản lý, đủ về lực lượng trực tiếp chiến đấu.

Kỳ vọng thứ ba là trong 10 năm tới, Cảnh sát PC&CC TPHCM được trang bị các loại trang thiết bị, phương tiện hiện đại. thành phố cũng như Trung ương sẽ có đầu tư mạnh hơn về các phương tiện thiết yếu như xe chữa cháy, máy bơm, xe thang chữa cháy, xe cứu thương, xe cứu nạn cứu hộ, các loại xe xử lý hóa chất, các loại xe xử lý trong môi trường độc hại. Rồi đến trang bị phương tiện khí tài theo hướng mặc - mang - trang bị của mỗi CB-CS phải đầy đủ khi bước vào bất kỳ trận chiến nào, từ cái mũ, cái ủng, quần áo, dây thắt lưng, hệ thống vô tuyến cầm tay, đèn chiếu sáng, hay khí tài cách ly hoàn toàn, đến khí tài bán cách ly như lọc khói, lọc độc…

Cảnh sát PC&CC TPHCM tiếp tục áp dụng các giải pháp khoa học về bản đồ kỹ thuật số, viễn thám và hệ thống thông tin địa lý trong công tác PCCC, nghiên cứu áp dụng các vật liệu không cháy, chất chữa cháy mới, thiết bị công nghệ mới hiệu quả, an toàn và thân thiện với môi trường.

Tôi cũng có một niềm kỳ vọng rằng, khi xảy ra sự cố bất kỳ ở chỗ nào, các loại xe đặc chủng cũng có đủ nước để chữa cháy. Theo Quy hoạch, từ nay tới năm 2025, thành phố lắp đặt mới, bổ sung khoảng 20.000 trụ nước chữa cháy, bố trí đều khắp trên địa bàn. Nơi nào phát triển hệ thống cấp nước đô thị thì nơi đó cũng phát triển hoàn thiện hệ thống cấp nước PCCC song song, cứ 300m/1trụ.

* Thưa Đại tá, người dân sẽ được thụ hưởng gì từ sự phát triển mạnh mẽ của Cảnh sát PC&CC TPHCM?

- Cảnh sát PC&CC TPHCM được thí điểm thành lập, chính thức đi vào hoạt động ngày 4/10/2006. Đây là một dấu mốc hết sức quan trọng, là bước chuyển đổi về chất của một đơn vị vũ trang thực hiện chuyên ngành PCCC và cứu nạn cứu hộ. Từ một đơn vị trực thuộc Công an TPHCM đến việc được Chính phủ cho thí điểm thành lập một đơn vị cấp sở, Cảnh sát PC&CC TPHCM có quy mô lớn hơn, điều kiện hoạt động nhiều hơn và sự quan tâm của lãnh đạo các cấp cũng nhiều hơn. Trên cơ sở đó, Cảnh sát PC&CC TPHCM đã và sẽ đem lại lợi ích cho an sinh xã hội và cuối cùng là lợi ích người dân. Có thể thấy, từ năm 2006 đến nay, kinh tế - xã hội của thành phố liên tục phát triển. Quy mô kinh tế, quy mô dân số đều tăng đã đặt ra yêu cầu đối với công tác đảm bảo an toàn PCCC ngày một cao hơn. Trong bối cảnh đó, từng cán bộ - chiến sĩ đã nỗ lực để kiềm chế số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra mỗi năm. Trong nhiều năm liền, số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra mỗi năm mỗi giảm.

Thành phố chúng ta đang xây dựng thành phố thông minh, xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt. Với lực lượng Cảnh sát PCCC, chúng tôi có mong muốn - và hiện nay đã, đang thực hiện - là tăng cường kết nối cảnh báo cháy sớm với tất cả cơ quan, đơn vị. Trước hết là với các doanh nghiệp có tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao, thì cần có sự kết nối chặt hơn với Trung tâm Chỉ huy của Cảnh sát PC&CC TPHCM, để nếu xảy ra bất kỳ sự cố nào, lực lượng Cảnh sát PCCC cũng nhận tin cấp thời, không phụ thuộc vào thời gian cháy tự do kéo dài nữa. Đây là cách thiết thực để hạn chế cháy lan, cháy lớn và cũng là ứng dụng phục vụ xây dựng thành phố thông minh.

10 năm tới, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra với lực lượng Cảnh sát PCCC hết sức vất vả, trong đó có nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ hàng ngày. Những tai nạn sự cố bất kỳ như: mưa giông, lốc, cây ngã đổ, cứu nạn những người bị tai nạn giao thông, cứu nạn cứu hộ nơi bị ngập nước, người té sông té giếng… là những tai nạn sự cố xảy ra hàng ngày mà Cảnh sát PCCC phải thực hiện. Người dân nếu gặp bất kỳ sự cố gì, hãy gọi chúng tôi!

* Và đâu là thách thức với lực lượng?

- Tôi nghĩ rằng, để xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, điều cơ bản nhất là thành phố phải an toàn. Cảnh sát PCCC có thể xuất hiện trong vòng 10 phút ở bất cứ đâu, khi bất cứ sự cố gì xảy ra là cam kết mạnh mẽ, bằng cái tâm và trách nhiệm của lực lượng, góp phần đảm bảo an toàn cho người dân thành phố. Tuy nhiên, để làm được như bản Quy hoạch, đòi hỏi sự đầu tư rất lớn từ nay đến 2025 và đó là thách thức của lực lượng.

Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất là cần có sự quyết tâm chính trị. Nhiều khi quyết tâm có nhưng điều kiện “cần và đủ” để thực hiện theo quy hoạch lại không phải dễ, mà còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong bối cảnh thành phố còn nhiều khó khăn, đất nước còn khó khăn, chúng ta phải lựa chọn phân khúc, lựa chọn đầu tư như thế nào để đạt được hiệu quả cho lực lượng và giảm sức ép ngân sách nhà nước. Vì thế, tôi nghĩ rất cần mở rộng việc xã hội hóa. Và điều này lại cần cơ chế. Khó khăn là vậy song chúng ta cần nhìn nhận rằng, TPHCM là thành phố với 10 triệu dân, ngang với các siêu đô thị trên thế giới và rất khác với các tỉnh có 2-3 triệu dân. Nên khi thực hiện, chúng ta cần tính đến yếu tố thật, tính đến đặc điểm của một thành phố đông dân nhất nước để đầu tư trang thiết bị, phương tiện cho tương xứng. Đó cũng là góp phần xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình mà Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đặt ra. 

Lịch sự, thân thiện với dân

* Cuộc chiến đấu, phòng ngừa “bà hỏa” không thể thành công nếu không có sự hỗ trợ của nhân dân. Thời gian tới, Cảnh sát PC&CC TPHCM có biện pháp phát huy sức mạnh tại chỗ, xây dựng phong trào Toàn dân tham gia PCCC như thế nào?

- Để đạt mục tiêu, yêu cầu kiềm chế số vụ cháy và thiệt hại do cháy nổ xảy ra, một vấn đề cơ bản là cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, đặc biệt là ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu. Người đứng đầu phải thật sự quan tâm, thực hiện tốt các công tác PCCC theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ).

Tích lũy bài học kinh nghiệm xuyên suốt trong 10 năm vừa qua, Cảnh sát PC&CC TPHCM tiếp tục xây dựng phong trào Toàn dân PCCC vừa có chiều rộng, vừa có chiều sâu. Công tác của đơn vị gắn với chủ trương của Thành phố nên cả lực lượng phải có quyết tâm chính trị và từng CB-CS phải có hoài bão, lý tưởng, làm tốt công tác PCCC. Trong đó, lấy phòng ngừa làm tâm điểm để có giải pháp ngăn ngừa, hạn chế để xảy ra cháy, nhất là cháy lan, cháy lớn. CB-CS cần có biện pháp quản lý, hướng dẫn bằng cả lương tâm nghề nghiệp và trách nhiệm của mình, giúp các cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật về PCCC tới nơi tới chốn. Đồng thời, kiên quyết xử lý các vi phạm có nguy cơ dẫn đến cháy, nổ.

Chặng đường 10 năm tới cũng đòi hỏi chúng ta phải xây dựng 3 lực lượng còn lại: dân phòng, PCCC cơ sở và PCCC chuyên ngành. Lực lượng dân phòng cần được bố trí rải đều trong dân cư, được trang bị phương tiện, trang phục đủ điều kiện, đủ sức xử lý ban đầu. Các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp phải có đội PCCC cơ sở, nắm vững kiến thức, kỹ năng cơ bản về chữa cháy và xử lý tình huống. Còn lực lượng PCCC chuyên ngành như ở sân bay, bến cảng, KCX-KCN… cần được xây dựng, hoạt động hiệu quả. Chính 3 lực lượng PCCC được xây dựng, hợp lực cùng đơn vị nòng cốt là Cảnh sát PC&CC thành phố thì bức tranh lực lượng PCCC thành phố sẽ hoàn thiện và công tác PCCC trong thời gian tới sẽ tốt hơn. Cùng với đó, sự phối hợp giữa các lực lượng vũ trang (công an, quân đội, biên phòng, Cảnh sát PCCC) luôn cần sự gắn kết như là một, để tạo thành sức mạnh tổng hợp, đủ khả năng thực hiện tất cả các nhiệm vụ về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong đó có công tác PCCC.

* Trong nỗ lực chung của thành phố đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ nhân dân, Cảnh sát PC&CC TPHCM có những giải pháp gì để phục vụ dân ngày càng tốt hơn?

- Trong mối quan hệ với dân, không có cách nào khác hơn là đẩy mạnh cải cách hành chính. Đầu tiên là công khai minh bạch, rút ngắn thời gian làm các thủ tục về cấp phép liên quan đến PCCC. Trong Ban Giám đốc, đặc biệt là tôi luôn có chủ trương xây dựng được hình ảnh CB-CS gương mẫu, tận tụy, trách nhiệm và thân thiện, tất cả vì nhân dân phục vụ. Muốn vì dân thì trước tiên thái độ phục vụ dân phải lịch sự, lễ phép, thân thiện, không vòi vĩnh, tiêu cực. Tôi tin rằng, với kỷ luật, kỷ cương của ngành, với hoài bão, lý tưởng của nghề chảy trong từng huyết quản anh em, thì chúng tôi sẽ đem lại những gì tươi đẹp nhất tới người dân, mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Trong lực lượng Công an Nhân dân nói chung cũng như trong lực lượng Cảnh sát PCCC nói riêng, chúng tôi luôn luôn lấy phương châm “Thức để cho dân ngủ ngon, gác để cho dân vui chơi”; coi niềm vui, hạnh phúc của người dân là lẽ sống của chính mình.

Với CB-CS, chúng ta đều có điểm chung là lòng say mê nghề nghiệp, cùng chung lý tưởng, hoài bão phục vụ. Tôi mong muốn CB-CS PCCC luôn tự hào mình đang sống ở TPHCM, cùng xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

ĐƯỜNG LOAN - MINH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục