Dân số – Một vấn đề nghiêm túc

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trong quý 4-2008 phải xây dựng Nghị quyết chuyên đề về công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), trình cấp ủy và Hội đồng nhân dân địa phương để triển khai thực hiện từ năm 2009. Đây có thể xem là một trong những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trước tình trạng dân số có nhiều thể biến động nguy hiểm.

Nhìn vào những số liệu mới nhất về dân số do Bộ Y tế công bố quả thực là vô cùng đáng lo ngại. Tỷ lệ phát triển dân số và sinh con thứ 3 tăng mạnh trở lại, đặc biệt từ đầu năm 2008 tới nay, số trẻ mới sinh ra tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2007. Đặc biệt, tại 34 tỉnh, thành phố số trẻ mới sinh là con thứ 3 trở lên là trên 3 vạn trẻ, tăng hơn 17,3%.

Đáng chú ý, có tới 16 tỉnh, thành phố tỷ lệ sinh tăng đột biến, cao nhất là Bắc Ninh tăng đến 65,6%, Vĩnh Phúc tăng 62,2%, Hải Dương 59,6%, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Tây, Hải Phòng, TPHCM, Ninh Bình đều tăng từ 30% đến trên 40%. Dự kiến của Bộ Y tế, chỉ tiêu giảm sinh trong năm 2008 chỉ đạt 0,01%, trong khi đó chỉ tiêu pháp lệnh của Quốc hội giao là 0,03%.

Với tốc độ tăng dân số nhanh như hiện nay, nhiều chuyên gia đã cảnh báo, đây là dấu hiệu báo động về những nguy cơ xấu, hậu quả ảnh hưởng tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Nguy hiểm hơn là việc mất cân bằng, chênh lệch về giới tính do tình trạng sinh con thứ 3 tăng, với tâm lý “trọng nam khinh nữ” có thể dẫn tới sự mất ổn định về xã hội.

Hiện nay, tỷ lệ bé trai/bé gái sinh ra ở Việt Nam đã lên tới 112/100 và sự chênh lệch đang ngày càng có chiều hướng nới rộng. Như vậy sau 20 - 30 năm nữa, sẽ có hàng triệu đàn ông Việt Nam không tìm được vợ, dẫn tới nguy cơ có thể phải nhập khẩu “cô dâu”; đồng thời tệ nạn xã hội và buôn bán người xảy ra là rất lớn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ sinh và sinh con thứ 3 tăng cao đột biến, trong đó nguyên nhân rõ ràng là lãnh đạo các cấp chính quyền tại nhiều địa phương đã buông lỏng quản lý, chủ quan thỏa mãn với những kết quả đạt được. Cùng với đó là sự biến động về tổ chức bộ máy chuyên trách làm công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình từ trung ương đến địa phương.

Chính vì vậy để tránh những nguy cơ, hậu quả xấu tác động tới nền kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới do dân số tăng cao, ngay bây giờ, chúng ta phải quyết liệt thực hiện các biện pháp kiềm chế tốc độ gia tăng dân số, nhanh chóng ổn định tổ chức, bộ máy làm công tác dân số ở cơ sở.

Đặc biệt, lãnh đạo các cấp và chính quyền địa phương phải nhận thức lại và nêu cao trách nhiệm, đi tiên phong trong việc triển khai, thực hiện nghiêm túc các hoạt động, đường lối chính sách về DS-KHHGĐ. Về lâu dài, cần có những giải pháp xã hội hóa, nhằm thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực DS-KHHGĐ để những kết quả đạt được về giảm tỷ lệ sinh thực sự có tính bền vững. 

TRUNG KIÊN

Tin cùng chuyên mục