Đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động miền núi Quảng Nam: Cần sự góp sức của doanh nghiệp

Số người trong độ tuổi lao động lớn, có sức khỏe, cần cù, chịu khó nhưng phần lớn chưa qua đào tạo, tư duy sản xuất nông nghiệp manh mún, ngại thay đổi… đang là những rào cản lớn khiến nguồn lực lao động tại các huyện miền núi Quảng Nam bị lãng phí…
Các học viên huyện Tây Giang trong ngày đầu đến học tập tại Trường Cao đẳng Thaco
Các học viên huyện Tây Giang trong ngày đầu đến học tập tại Trường Cao đẳng Thaco

Nguồn lực lớn nhưng chưa được khai thác 

Quảng Nam hiện có 9 huyện miền núi với lực lượng lao động lớn nhưng đa phần chỉ canh tác nông nghiệp theo tập quán cũ, quy mô nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Tỷ lệ thất nghiệp và lao động chưa qua đào tạo nhiều. Thêm vào đó, nhận thức của người dân về học nghề, tìm kiếm việc làm, ý chí vươn lên thoát nghèo còn hạn chế; đặc biệt là tâm lý muốn sống gần nhà, bám nương rẫy, an phận với công việc nông nhàn. Do đó dù có nguồn lực lao động nhưng đời sống kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. 

Là một trong 62 huyện nghèo thuộc Chương trình 30a của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, Phước Sơn được ưu tiên về chính sách và nguồn lực để phát triển, tuy nhiên mức độ chuyển biến còn chậm.

Ông Hồ Công Điểm - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết: “Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện trên 42%, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở mức 25%, trong đó lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ khoảng 16%”. Cùng chung tình trạng với Phước Sơn và nhiều huyện miền núi khác, ông Đỗ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết: “Lâu nay sinh kế của người dân ở đây chủ yếu là phát rẫy, làm keo nên đời sống không mấy khấm khá. Chúng tôi xác định, muốn xóa đói giảm nghèo, phải tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đông Giang và các huyện miền núi Quảng Nam nói chung”.

Đầu năm 2022, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Hội nghị công tác giáo dục nghề nghiệp, kết nối thông tin cung - cầu lao động, cung ứng và tuyển dụng lao động cho doanh nghiệp. Hội nghị nhấn mạnh, để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp, gắn đào tạo với sử dụng lao động và tạo việc làm bền vững. 

Cơ hội việc làm rộng mở

Là tập đoàn công nghiệp đa ngành có số lượng nhân sự lớn, với gần 20 năm đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) đặc biệt chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Năm 2010, Thaco thành lập Trường Cao đẳng Thaco. Đến nay, Trường đã trở thành cơ sở đào tạo uy tín, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của tập đoàn và các doanh nghiệp tại Quảng Nam và miền Trung.

Thạc sĩ Phan Tiềm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thaco cho biết: “Với phương châm Tuyển sinh để tuyển dụng, nhà trường luôn chú trọng cập nhật chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu công việc, nhu cầu thị trường và xu thế công nghệ mới. Đặc biệt, đồng hành cùng tỉnh Quảng Nam về giải quyết việc làm, chúng tôi ưu tiên đào tạo, tuyển dụng lao động miền núi với nhiều chính sách đãi ngộ”. 

Lãnh đạo Trường Cao Đẳng Thaco và lãnh đạo huyện Tây Giang ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác về tuyển sinh, tuyển dụng lao động huyện Tây Giang

Sự hợp tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm giữa Trường Cao đẳng Thaco và các huyện miền núi Quảng Nam được đánh dấu bằng mô hình đưa 72 lao động huyện Tây Giang đến học nghề tại trường và bố trí làm việc tại KCN Thaco Chu Lai vào tháng 2-2022. Các học viên được đào tạo nghề (ô tô, cơ khí, nông nghiệp…) và thực tập sản xuất có lương, hoặc vừa học, vừa làm tại các nhà máy, đơn vị thuộc Thaco. Các đối tượng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học theo chế độ cử tuyển nhưng địa phương chưa bố trí việc làm, nhà trường đào tạo ngắn hạn trong vòng ba tháng để trở thành kỹ thuật viên, quản lý ở các nông trường tại Lào, Campuchia. Riêng mảng nông nghiệp, hiện có 31 học viên thuộc ba huyện Tây Giang, Nam Giang, Hiệp Đức đang làm việc tại Lào. 

Hội nghị về công tác giáo dục nghề nghiệp, kết nối cung cầu lao động tại Quảng Nam

Anh PơLoong Lâm - quê xã Tr’Hy, huyện Tây Giang, vừa học vừa làm tại nhà máy Thaco Kia chia sẻ: “Ban đầu khi mới tới Chu Lai, tôi rất bỡ ngỡ và lo lắng vì trước giờ chỉ làm nông, không biết gì về ô tô, cơ khí. Cuộc sống ở đây cũng rất khác ở quê. Nhưng sau ba tháng học tập, làm quen với công việc mới, đặc biệt là có thu nhập ổn định, tôi rất vui và yên tâm. Tôi sẽ cố gắng học tập và làm việc chăm chỉ để cuộc sống tốt hơn”.

Mô hình này được các huyện miền núi Quảng Nam đánh giá là phù hợp, mang lại hiệu quả thiết thực và có thể nhân rộng. Dự kiến ngày 15-6-2022, sẽ có thêm 30 lao động Tây Giang tham gia học nghề cơ khí và làm việc tại Kcn Thaco Chu Lai. Ông Ngô Văn Luận - Trưởng phòng Lao động, Thương binh, Xã hội huyện Tây Giang kỳ vọng: “Địa phương rất tâm huyết khi thực hiện mô hình này. Chúng tôi hy vọng mô hình sẽ thành công và tạo được hiệu ứng lan tỏa tích cực. Sự đổi thay trong cuộc sống của các học viên sẽ trở thành “cái gương” tuyên truyền hiệu quả nhất, giúp người lao động miền núi nhận thức rõ tầm quan trọng của việc làm và quyết tâm đăng ký học nghề, nỗ lực làm việc, từng bước thoát nghèo bền vững”.

Ông Bùi Trần Nhân Trí - Giám đốc Nhân sự Thaco Chu Lai cho biết: “Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng nhân sự của Thaco và các doanh nghiệp rất lớn. Bên cạnh đẩy mạnh liên kết, hợp tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động miền núi, chúng tôi ưu tiên đào tạo, tuyển dụng bộ đội xuất ngũ, người lao động Quảng Nam trở về quê do ảnh hưởng của dịch Covid-19… vào làm việc tại KCN Thaco Chu Lai, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.   

Tin cùng chuyên mục