Gần một tuần lễ theo dõi tuyển sinh năm 2008 tại Trường Cao đẳng Sân khấu và Điện ảnh TPHCM, thấy các thí sinh (TS) trẻ thi vào Khoa Diễn viên sân khấu và điện ảnh trình bày tiểu phẩm năng khiếu của mình trước Hội đồng tuyển sinh, nhiều người không khỏi băn khoăn, lo ngại trước nội dung và ý nghĩa của các vấn đề được đề cập tới trong các tiểu phẩm – dù được các TS trình bày rất nhiệt tình và nghiêm túc trên sân khấu.
Điều chúng tôi băn khoăn, lo ngại là cách nhìn và phản ánh hiện thực của nhiều TS. Hơn 100 bài dự thi đều được chắt lọc từ đời sống thực, thực một cách trần trụi với nhiều chi tiết đời thường không thể bảo là hư cấu. Hầu hết tiểu phẩm đều giống nhau ở cách khai thác chất liệu của hiện thực để cấu trúc một câu chuyện kể về một nhân vật, qua đó bộc lộ quan điểm của TS đối với đời sống được phản ánh, hay rộng hơn là đối với hiện thực của xã hội hiện đại. Rất tiếc là đều khá giống nhau ở cách nhìn cuộc sống. Cái nhìn của nhiều bạn trẻ hôm nay chỉ hướng về mảng tối của đời sống. Trong nhiều tiểu phẩm, cuộc sống của con người hôm nay sao u buồn, nhiều nước mắt, xót xa. Hầu hết có nội dung nói về cái nghèo, cảnh nghèo khiến người ta bị đồng tiền chi phối trở nên xấu xa, đê tiện.
Một số người khá giả hơn thì coi việc kiếm tiền là cái đích họ vươn tới bằng mọi thủ đoạn, làm hư hỏng lối sống, gia đình ly tan, con cái bơ vơ. Đồng tiền làm không ít người sống dối trá, tàn nhẫn. Cuộc sống trên sân khấu thi tuyển đẫm nước mắt và nặng nề…
Đành rằng cuộc sống thực có khi dữ dội, ghê gớm hơn những gì được sân khấu hay đúng hơn được nghệ thuật phản ánh. Những mảnh đời, những mảng hiện thực được các TS “chắt lọc” đều bắt nguồn từ hiện thực lớn là cuộc đời thực với nhiều tình tiết có thật nhưng một khi được “khái quát” trong tác phẩm (dù nhỏ như một tiểu phẩm) thì các hiện thực ấy lại phiến diện, một chiều. Nó chỉ giúp các TS có đất, có chất liệu để phô bày bản năng hay một chút kỹ thuật thể hiện nhân vật trong mâu thuẫn, xung đột mà không giúp nâng cao tâm hồn người nghệ sĩ tương lai.
Qua tư duy của một số bạn trẻ, trước cách nhìn đời, nhìn sự việc và con người hôm nay của họ mới thấy nguy cơ, tác hại của lối sống thực dụng, của xã hội tiêu thụ, mặt trái của thị trường. Nó làm cho nghệ thuật mất dần đi vẻ đẹp hoặc bi tráng hoặc lãng mạn bay bổng – sức hướng tới của tâm hồn và trí tuệ đến cái mà chúng ta thường gọi là chân-thiện-mỹ. Do vậy đào tạo người làm nghệ thuật không phải chỉ chuyên tâm cung cấp cho người học kỹ xảo chuyên môn mà phải rèn luyện trí tưởng tượng, giúp cho tâm hồn họ có được sự trong sáng của trí tuệ và cảm xúc, hướng họ tới cái đẹp, cái hay, cái cao cả. Phải cho TS hiểu hiện thực mà sân khấu phản ánh không phải là thực tại thô thiển, trần trụi mà là thực tại khát khao vươn tới, đáp ứng những ước vọng nhân văn của con người.
Nhà trường là nơi đào tạo, rèn giũa, là vườn ươm những tài năng nghệ thuật. Người làm sân khấu để trở thành nghệ sĩ, không chỉ học cách thể hiện, kỹ năng thể hiện mà phải là người thực sự biết rung động, say mê cái đẹp, trọng cái cao cả, khinh cái thấp hèn. Sự yêu ghét phải rạch ròi. Chính vì vậy, tạo dựng cho lớp trẻ một cái nhìn đúng đắn, một khiếu thẩm mỹ tốt là yêu cầu xuyên suốt, là tiêu chí đối với các trường nghệ thuật.
NSƯT Trần Minh Ngọc