Một thực tế của Việt Nam trong đào tạo tiến sĩ (TS) hiện nay là đơn giản và dễ dãi. Tại nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu sinh (NCS) chỉ phải thực hiện 3 chuyên đề TS rồi tự làm luận án “tại nhà hay tại cơ quan”. Thậm chí có trường hợp NCS trong 3 năm đào tạo hầu như không có mặt tại cơ sở đào tạo, không nghiên cứu, sinh hoạt chuyên môn... nhưng vẫn bảo vệ thành công luận án TS!
Đây là thực tế được đưa ra tại cuộc hội thảo nâng cao chất lượng đào tạo TS tổ chức tại Hà Nội, ngày 14-12. Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long, chất lượng đào tạo TS thấp, nhiều đề tài nghiên cứu trùng lặp không gắn với thực tế nhưng kết quả khảo sát của Hội đồng Giáo sư nhà nước cho thấy 70% người tốt nghiệp TS làm quản lý và xấp xỉ 30% làm nghiên cứu và giảng dạy...
Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành quy chế đào tạo TS với khá nhiều điểm đổi mới: bỏ thi tuyển TS; các cơ sở đào tạo được quyền phê duyệt danh sách thí sinh trúng tuyển, được toàn quyền trong mọi hoạt động đào tạo NCS và cấp bằng TS; bãi bỏ hình thức học không tập trung, buộc NCS phải học tập trung nhằm ngăn chặn tình trạng đào tạo TS “tại chức”… Đầu tư tối thiểu cho 1 NCS trong thời gian tới cũng dự kiến nâng lên 110 triệu đồng.
V.L.