Đào tạo trọng tài chuyên nghiệp

Giải vô địch bóng đá quốc gia V-League 2020 mới đi qua 8 vòng nhưng đã có ít nhất 5 trận đấu mà sai lầm của trọng tài ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả, chiếm tỷ lệ gần 10%. 

Đây chỉ mới tính đến các trường hợp đã được thừa nhận chính thức, chưa nói đến những trận có dấu hiệu thiên vị, gây ức chế trong thi đấu hoặc bỏ qua lỗi nặng của cầu thủ. 

Trọng tài dù giỏi đến mấy cũng phải có sai sót, vì thế mới phải bổ sung các trọng tài ở khung thành hay ứng dụng công nghệ Goal-line, VAR nhằm hỗ trợ các tình huống liên quan đến bàn thắng, thẻ đỏ. Tuy nhiên, mọi sự trợ giúp chỉ để hỗ trợ việc điều hành của trọng tài đạt đến mức hoàn hảo, tránh sự mất công bằng do các yếu tố khách quan, chứ hoàn toàn không thể khiến cho một trọng tài kém trở thành giỏi, và ngược lại. Nói cách khác, việc quan trọng nhất vẫn là phải có trọng tài giỏi, kế đến mới nói chuyện hạn chế tối đa sai sót. Không có mệnh đề đầu tiên, đương nhiên sẽ chẳng có mệnh đề thứ hai. 

Cần phải đặt vấn đề theo góc độ này mới có giải pháp cho việc giảm sai sót trên sân cỏ Việt Nam. Rất dễ dàng khi phê phán trình độ trọng tài, nghi ngờ tư tưởng khi làm việc của họ. Nhưng như đã nói, nếu thật sự các sai sót vừa qua của trọng tài xuất phát từ non kinh nghiệm và bản lĩnh, thì chỉ trích hay ngờ vực chỉ khiến mọi thứ tồi tệ hơn. Các sự cố vừa qua, chủ yếu rơi vào các trọng tài vừa mới thổi chính ở V-League 1 - 2 mùa gần đây. Do hoàn cảnh, mùa giải năm nay có thể thức thi đấu mới, trận nào cũng mang ý nghĩa “trận cầu đinh”, nên áp lực cho các trọng tài gần như ngang nhau, không có chuyện trọng tài trẻ thì được phân công ở các trận đấu dễ. V-League hiện không thể đủ trọng tài giỏi cho mọi trận đấu, cũng chưa có VAR và cũng chẳng thể mời trọng tài ngoại qua làm việc do dịch Covid-19. Hiện nay, Việt Nam chỉ có 2 trọng tài đạt đẳng cấp FIFA, là một thực tế mà chúng ta phải chấp nhận. Có phê phán, đòi hỏi cũng không làm mọi thứ tốt hơn.

Cho nên vấn đề cần quan tâm là làm sao có trọng tài giỏi càng nhanh càng tốt. Cách đặt vấn đề có tính gợi mở hơn. Nhưng muốn có trọng tài giỏi, lại cần sự hỗ trợ của nhiều yếu tố. Đầu tiên là niềm tin của chính những người làm bóng đá. Trọng tài đã yếu, mà cứ vừa thổi phạt thì lại bị cầu thủ lẫn ban huấn luyện phản ứng thì ít nhiều sẽ khiến họ mất tinh thần, ngại đưa ra quyết định dứt khoát. Nói cách khác, khi chưa có đủ bằng chứng về tiêu cực của trọng tài, các đội bóng cần có sự tôn trọng và cảm thông nhiều hơn. Kế đến, công thức chung để có một trọng tài giỏi là phải thổi nhiều trận. Giống như phi công, bay càng nhiều giờ thì kinh nghiệm càng nhiều. Mỗi trận đấu có một hoàn cảnh, tính chất khác nhau nên nếu hành nghề ở nhiều trận, nhiều cấp độ thì bản lĩnh và trình độ cũng tăng lên theo cấp số nhân. Hiện tại, số trận đấu đỉnh cao tại Việt Nam quá ít. Một trọng tài FIFA ở Việt Nam mỗi năm chỉ thổi trên dưới 15 trận trong khi con số này ở châu Âu trung bình là 40. Với các trọng tài trẻ, mới vào nghề thậm chí còn thổi ít trận hơn, do các giải để họ rèn luyện như U21, hạng nhì mỗi năm chỉ khoảng 20 trận. Trong khi đó, ở châu Âu, các giải đấu tuổi U hay đội dự bị thường diễn ra song song, tương đương số trận đấu của giải vô địch quốc gia. Hệ thống thi đấu chuyên nghiệp của họ có đến 4 cấp, càng xuống dưới lại càng nhiều đội, nhiều trận, rất thuận lợi để rèn luyện trọng tài. Tổng số trận đấu chính thức do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam quản lý ở mọi cấp độ, lứa tuổi chỉ vừa hơn 500 trận/năm, trong khi tại Anh, chỉ riêng số trận đấu của giải ngoại hạng hay hạng nhất, đã lên đến 1.000.

Số trận đấu ít, thu nhập cũng khó cao, trong khi khác với các quốc gia phát triển, trọng tài ở Việt Nam vẫn xem nghề thổi còi là công việc chính chứ không phải “nghề tay trái” như ở châu Âu. Thu nhập thấp thì số người muốn làm trọng tài cũng không nhiều. Trọng tài là nghề đặc thù, họ chỉ được làm việc đến năm 45 tuổi nhưng có thể khởi đầu nghề nghiệp từ độ tuổi 25. Thế nên, hoàn toàn có thể thành lập các học viện trọng tài, đào tạo những người chuyên nghiệp về cầm còi và ưu tiên cho họ được tham gia nhiều trận đấu nhằm bảo đảm thu nhập. Xét trên hoàn cảnh của bóng đá Việt Nam, chủ động đào tạo trọng tài vẫn sẽ tốt hơn là chờ đợi sự xuất hiện của các trọng tài giỏi.

Tin cùng chuyên mục