Đất mặt tiền thành đất hẻm

Do cán bộ làm sai

“Tôi mua đất dự án, làm nghĩa vụ tài chính là đất mặt tiền đường nhưng khi bị giải tỏa thì biến thành đất hẻm. Việc sai trái này đã được làm rõ nhưng cán bộ quận vẫn không sửa”- gia đình bà Trần Ngọc Dung bức xúc gửi đơn trình bày với Báo SGGP.

Do cán bộ làm sai

Năm 1999, bà Trần Ngọc Dung ký hợp đồng sang nhượng nền nhà lô P1, trong dự án khu nhà ở tại số 108/3 quốc lộ 1A (Kha Vạn Cân) phường Hiệp Bình Chánh quận Thủ Đức, do Công ty cổ phần Địa ốc 8 (Công ty 8) làm chủ đầu tư. Đây là dự án đã được Văn phòng Kiến trúc sư trưởng TP phê duyệt quy hoạch Phân lô và giao thông tỷ lệ 1/500, Tổng thể mặt bằng 1/500 và Mẫu nhà liên kế tỷ lệ 1/100 (thay cho giấy phép xây dựng), theo đó lô P1 nằm mặt tiền đường Kha Vạn Cân.

Năm 2008, Dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi được triển khai thực hiện, lô P1 bị giải tỏa. Do sự buông lỏng quản lý nên một số hộ dân đã lấn chiếm, dựng nhà trên phần đất của công ty, trong lôä giới của đường Kha Vạn Cân, nhưng khi kiểm kê xác định nguồn gốc lô P1, cán bộ phường Hiệp Bình Chánh đề xuất “xác định vị trí cấp hẻm cho lô đất trên, lý do không có đường vào lô đất”. Căn cứ trên xác nhận này, ngày 5-1-2010, Hội đồng Bồi thường thiệt hại giải phóng mặt bằng quận Thủ Đức (Hội đồng bồi thường) đã “biến” đất mặt tiền thành đất hẻm, cụ thể 136,5m² được hỗ trợ đền bù theo diện hẻm cấp 2 vị trí 4 và 18,5m² đất đang bị chiếm dụng trái phép bị cho là đất công.

Sai nhưng không sửa

Trước vấn đề bức xúc của người dân, ngày 29-1-2010, Ban Bồi thường đã tổ chức buổi làm việc với Công ty 8, chủ lô đất P1 và người lấn chiếm để làm rõ thêm vị trí, tính pháp lý lô P1. Sự thật là: Ông P.Đ.H., người ở phía trước lô P1 đã thừa nhận “nhà đất của gia đình ông không có giấy tờ văn bản cấp đất, chỉ nói bằng miệng và xây dựng nhà không phép”. Trong công văn gửi Ban bồi thường, Công ty 8 xác nhận, căn cứ giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và sử dụng đất và quyết định phê duyệt quy hoạch, dự án khu nhà ở không có tài liệu nào liên quan đến phần đất do ông P.Đ.H. sử dụng và phần đất mà ông P.Đ.H. sử dụng không có vị trí tiếp giáp trước lô P1. Lô P1 là mặt tiền đường Kha Vạn Cân.

Mặc dù sự việc đã rõ, nhưng ngày 15-3-2010, Hội đồng bồi thường vẫn không sửa sai mà “điều chỉnh” lô P1 từ hẻm cấp 2 vị trí 4 sang vị trí hẻm đường Kha Vạn Cân, chỉ được hỗ trợ đền bù bằng 70% giá mặt tiền đường Kha Vạn Cân và phần đất đã bị lấn chiếm là đất công, không bồi thường.

Sai đã thấy rõ, nhưng vì sao Hội đồng bồi thường quận lại không sửa? Thiết nghĩ, để bảo đảm quyền lợi người dân cũng như sự nghiêm minh của pháp luật, UBND quận Thủ Đức cần xem xét làm rõ trường hợp này.

Nguyễn Hiền

Tin cùng chuyên mục