Hơn 20 năm trước, nạn cắt trộm dây điện, điện thoại rộ lên trên địa bàn TPHCM, ngoại thành nhiều hơn nội thành, cứ vài ngày là lại có 1-2 vụ, bất chấp các nhà làm luật đã xếp hành vi vi phạm này vào tội danh “xâm phạm an ninh quốc gia” với khung hình phạt rất cao, nhằm ngăn ngừa.
Lúc bấy giờ, kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, đời sống của đại bộ phận người dân còn thiếu thốn nên có người cho rằng những kẻ cắt trộm này “bần cùng” quá mới “sanh đạo tặc”, chứ lén lút đêm khuya cắt hơn chục mét dây chỉ bằng kìm, kéo, với mong muốn lấy chút xíu lõi đồng đổi lại ít tiền còm thì thiệt không đáng, vì trộm “món hàng” này mất mạng như chơi do dễ bị điện giật, nếu không cũng dễ tù rục xương!
Kinh tế đất nước qua thời bao cấp, khó khăn bớt dần và cuộc sống người dân đã ngày một khá lên. Tưởng chuyện ăn trộm ba mớ dây nhợ ngày xưa sẽ chỉ còn là nỗi buồn của quá khứ. Thế mà sáng hôm kia, các quán cà phê vỉa hè ở TPHCM lại một phen bàn tán xôn xao về sự táo tợn của vụ đào trộm 1.200m cáp điện ngầm ngay giữa trung tâm thành phố với sự tham dự của hàng chục người và những phương tiện chuyên dụng. Đến nước này thì chuyện ăn trộm mấy thứ dây nhợ hình như đã không còn là “đạo tặc” do “bần cùng” nữa rồi!
Cáp điện ngầm đương nhiên là đi ngầm trong lòng đất. Muốn lấy được nó, không “độn thổ” thì chỉ có nước xới tung đất lên. Kẻ trộm đã chọn phương án thứ 2, đào đường. Xe ben, đèn chiếu sáng, biển báo thi công, rào chắn, ngót nghét 30 “công nhân”… điềm nhiên “làm việc” trước con mắt của nhiều người (đường thành phố, đêm hay ngày đều không thiếu người qua lại mà!). Sự táo tợn đó khiến chúng ta phải suy nghĩ!
Vài năm trở lại đây, người thành phố đã quá quen với cảnh nơi nơi đào đường, ngành ngành đào đường. Vì lẽ đó, việc thêm hay bớt một công trình đào đường trên đường là chuyện bình thường, không làm ai thấy lạ. Việc chọn cho mình tấm bình phong là đội thi công đào đường để thực hiện việc trộm cắp, lúc này, quả là một sự lựa chọn mang tính chuyên nghiệp (không thể nói khác được!) của những kẻ chủ mưu. Tấm bình phong ấy tốt đến nỗi - theo lời khai ban đầu của những kẻ bị bắt giữ - đã giúp chúng thực hiện trót lọt ít nhất vài vụ tương tự trước khi bị phát hiện!
Ngoài việc gây cản trở lưu thông, làm ảnh hưởng đến đời sống, làm xói mòn niềm tin của người dân TP thì giờ đây, sau việc này, hình như chúng ta còn nhận ra thêm một “tác dụng phụ” rất xấu nữa của việc đào đường tràn lan, thiếu quản lý, kiểm soát của các ban ngành hữu quan tại thành phố. Và nếu hôm nay mới chỉ là bọn trộm cáp lợi dụng việc đào đường tràn lan để tiến hành ăn cắp thì có lẽ cũng không còn sớm nữa để thành phố nghĩ đến những hệ lụy khác xấu hơn có thể xảy ra từ việc kẻ xấu lợi dụng tình trạng này.
Một điều khác, đó là tài sản mà bọn trộm nhắm đến. Theo lời của một vị đại diện ngành điện, đấy là hệ thống cáp điện ngầm đã không còn sử dụng. Vậy thì giá trị của đống dây cáp ấy tới đâu mà kẻ trộm lại phải tổ chức cả một lực lượng hoành tráng, chuyên nghiệp và hành sự táo tợn đến vậy để chiếm lấy? Chắc chắn nó không rẻ mạt, bởi nếu chỉ là một mớ tiền còm, kẻ trộm đã không dày công đến vậy để lấy cho bằng được. Còn nếu đó là một khối tài sản lớn, thì hệ thống đã ngưng truyền tải điện từ khi nào và vì sao cho đến giờ này, ngành điện không tính đến chuyện thu hồi, thanh lý để thu lại cho nhà nước số tiền đáng kể đó? Có lẽ ngành điện nghĩ rằng tài sản chôn dưới lòng đất chỉ có mình mình biết nên không sợ mất, cứ từ từ rồi tính? Hay ngành điện bỏ quên? Dù vì lý do nào, việc thiếu trách nhiệm với tài sản công như thế cũng là đáng trách.
Có quá nhiều những câu hỏi đặt ra từ một vụ tình cờ bắt trộm của Công an phường Bến Nghé quận 1, mà bao trùm lên tất cả những câu hỏi ấy, chính là dấu hỏi lớn có hay không và tới mức độ nào sự buông lỏng quản lý nhà nước, quản lý trật tự trị an của chính quyền, doanh nghiệp và ban ngành hữu quan thành phố?
Trúc Quân