Đâu là đồng tiền của thế giới?

Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn vừa đề xuất bổ sung đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc vào danh sách ngoại tệ dự trữ quốc tế. Theo ông Strauss-Kahn, việc đưa NDT vào rổ các đồng ngoại tệ dự trữ sẽ đảm bảo tính ổn định đối với hệ thống tiền tệ quốc tế.

Đề xuất của IMF được đưa ra trong bối cảnh gần đây có khá nhiều nhận định về tính ảnh hưởng của các đồng tiền chủ yếu trên thế giới trong thời gian tới. Tờ Thương báo của Hồng Công (Trung Quốc) đã có một bài phân tích chỉ ra rằng muốn xem xét ảnh hưởng các đồng tiền chủ yếu trên thế giới, cần xem nhu cầu của người tiêu dùng đối với các loại tiền tệ này. Lòng tin của người tiêu dùng sẽ quyết định tất cả, dù đó là đồng USD hay euro.

Theo bài phân tích trên, nền kinh tế Mỹ hiện không còn lớn mạnh như trước. Tổng GDP đã giảm sút sau cơn bão tài chính, tỷ lệ thất nghiệp lên tới gần 2 con số, thâm hụt thương mại nghiêm trọng... Sự hoài nghi về khả năng vượt qua cửa ải khó khăn này của nước Mỹ ngày một tăng khiến lòng tin vào giá trị đồng USD và các giao dịch bằng đồng USD giảm sút. Vì vậy, nhu cầu đối với đồng USD đã đi xuống. Ngoài ra, chi phí quân sự cho các cuộc chiến ngoài nước Mỹ, kinh phí tái xây dựng ở các nơi sau chiến tranh đã làm tăng mạnh các khoản chi của Mỹ, ảnh hưởng tiêu cực cho kinh tế Mỹ. Lòng tin giảm sút khiến mọi người cân nhắc việc đổi đồng USD trong tay sang một loại tiền tệ khác hoặc tìm một nước khác để đầu tư.

Trong khi đó, tại châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhất kể từ khi thành lập Liên minh châu Âu (EU) đến nay. Ở Bồ Đào Nha đã vượt quá 10%, trong khi ở Tây Ban Nha con số này lên tới 19%. Còn tại Đức, trung tâm kinh tế của EU, kinh tế chững lại khiến nhu cầu tiêu dùng suy yếu. Những nguyên nhân tiêu cực trên sẽ ảnh hưởng tới lòng tin của mọi người và nhà đầu tư vào giá trị đồng euro, ảnh hưởng đến quyết định tích trữ và sử dụng đồng euro của họ. Đến nay, đồng euro chỉ được sử dụng rộng rãi nhất tại các nước thành viên của đồng tiền chung châu Âu (eurozone) và một số nước lân cận. Giới phân tích nhận định đồng euro hiện chưa có khả năng đứng đầu các loại tiền tệ thế giới, nhưng cũng không có nghĩa là vị trí này vĩnh viễn thuộc về đồng USD. 

Phần lớn các chuyên gia đều nhận định nếu Mỹ gắng sức cải thiện chính sách kinh tế hiệu quả, đồng USD vẫn giữ vị trí số 1 trong thế kỷ này. Đồng bảng Anh là một bài học nhãn tiền đối với Mỹ. Từng là bá chủ trong hệ thống tiền tệ thế giới hồi đầu thế kỷ trước, nhưng sau 2 cuộc đại chiến, thực lực nước Anh giảm sút, địa vị trên thế giới của đồng bảng Anh cũng theo đó mất đi. Chắc chắn Mỹ không hề muốn giá trị đồng USD sẽ thấp hơn nữa khiến Mỹ ngày càng bị đẩy xa khỏi vị trí lãnh đạo về kinh tế.

Đỗ Văn

Tin cùng chuyên mục