
Hẻm 14 Kỳ Đồng (phường 9, quận 3, TPHCM) được nhiều người biết đến do có các quán bán những món ăn truyền thống như bún ốc, miến, phở… Dù có nhiều khách tìm đến, hoạt động mua bán nhộn nhịp nhưng hồi trước nơi đây vẫn là một khu phố văn hóa. Thế nhưng từ khi hẻm 14 và các hẻm phụ được xây mới khang trang, tình hình an ninh trật tự ở đây đã xấu hẳn đi.

Để xe lấn chiếm trước quán phở, miến gà tại hẻm 14 đường Kỳ Đồng, quận 3 TPHCM. Ảnh: Kim Ngân
Khi vận động người dân đóng góp tiền xây dựng đường hẻm 14 Kỳ Đồng và các hẻm nhỏ ở khu vực này theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, cán bộ phường 9 đã nhiều lần cam kết trong các buổi họp tổ dân phố rằng sẽ kiên quyết không để các hộ kinh doanh chiếm dụng đường hẻm buôn bán. Do vậy người dân đã nhiệt tình hưởng ứng.
Thế nhưng từ khi công trình hoàn thành, thay vì vui mừng có con hẻm khang trang, người dân lại phải bực bội, bức xúc vì tình trạng lấn chiếm đường hẻm làm nơi buôn bán không hề giảm mà ngày càng gia tăng.
Từ sáng sớm đến đêm khuya cư dân trong hẻm phải chịu đựng rất nhiều sự phiền toái do tiếng ồn ào từ các quán ăn, tiếng nô đùa, gào thét. Lại còn phải khổ sở vì mùi xú uế do người đi thu gom rác phân loại rác ngay tại hẻm, thậm chí có lúc họ còn phân loại rác ngay trước cổng nhà trẻ, gây ô nhiễm môi trường sống của cả khu vực.
Hẻm khang trang đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển hoạt động kinh doanh ăn uống từ đầu hẻm đến cuối hẻm. Khách đến nhộn nhịp sáng, trưa, chiều tối, các chủ quán ăn ngang nhiên lấn chiếm đường hẻm để làm chỗ giữ xe. Chỉ một con hẻm rộng chưa đầy 6m và dài khoảng 500m, nhưng có tới gần chục quán ăn, karaoke, với hàng mấy trăm lượt người ra vào nhộn nhịp, kéo theo các xe hàng rong, xe thu gom phế liệu tụ tập về đây trải dọc suốt từ đầu đến cuối hẻm.
Quán hủ tiếu đầu hẻm và quán miến - phở Kỳ Đồng thường xuyên có số lượng khách đến ăn đông nhất, việc giữ xe lấn chiếm đường hẻm diễn ra suốt ngày đêm. Con hẻm biến thành nơi đắc địa cho kinh doanh ăn uống nên các quán ăn vẫn cứ tiếp tục mọc lên thêm, cứ vài hôm lại thấy xuất hiện thêm một quán ăn, các hẻm phụ cũng bắt đầu bị lấn chiếm để đậu xe.
Mặc dù đầu hẻm có biển cấm ô tô đậu, nhưng khách đến ăn uống vẫn thoải mái đậu ô tô kín trước hẻm. Hàng ngày, cảnh bát nháo, ồn ào cứ kéo dài đến tận đêm khuya. Riêng quán karaoke, càng về khuya càng đông khách, hoạt động nhộn nhịp hơn, xe máy đậu tràn hết một đoạn hẻm. Đành rằng ai cũng phải kiếm sống, nhưng đâu thể cứ thản nhiên chiếm dụng đường hẻm để buôn bán, làm bãi đậu xe và gây ồn ào, mất trật tự làm ảnh hưởng đến người khác.
Hoạt động kinh doanh mất trật tự như vậy vẫn cứ diễn ra hàng ngày và kéo dài, trước mặt chính quyền địa phương. Cư dân hẻm 14 Kỳ Đồng đã nhiều lần bức xúc phản ánh đến chính quyền và công an phường 9, nhưng tất cả đều rơi vào im lặng. Đôi lần cảnh sát giao thông có ghé qua phạt vài chiếc ô tô đậu trong hẻm, nhưng chỉ thoáng được vài hôm, rồi vẫn như cũ.
Khi người lớn lấn chiếm hẻm để kinh doanh, trẻ con hết chỗ chơi, nên thấy trước cửa nhà ai trống liền tụ tập, quậy phá, đá bóng, đá lon, la hét, văng tục, bất chấp biển thông báo của công an phường “Cấm đá bóng ở đây”.
Nạn ô nhiễm tiếng ồn ngày càng thêm trầm trọng. Có nhiều khi người ta còn tổ chức các buổi trình diễn ca nhạc hoành tráng, giăng đèn, dán ảnh quảng cáo ca sĩ, dựng cả màn hình lớn, bắc loa với công suất lớn, âm thanh vang động cả khu dân cư. Trong những dịp hội hè như thế, người ta ngăn hẳn một đoạn hẻm, cấm tất cả các loại xe ra vào hẻm.
Hàng năm mỗi hộ dân trong hẻm 14 Kỳ Đồng đều phải đóng tiền để duy trì hoạt động của lực lượng dân phòng giữ gìn an ninh trật tự khu phố, nhưng không mấy khi nơi đây được trật tự. Trong hẻm vẫn thấy có kim tiêm chích ma túy, vẫn xảy ra những vụ kẻ trộm leo tường vào nhà, vẫn có những kẻ ném đá quậy phá nhà dân…
Rất mong cán bộ chính quyền, Công an phường 9 quận 3 thực hiện tinh thần trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự địa bàn. nên chịu khó “vi hành” đến hẻm 14 Kỳ Đồng, để tận mắt chứng kiến và tổ chức kiểm tra, xử lý những hộ kinh doanh chiếm dụng hẻm, gây mất trật tự; trả lại môi trường yên bình cho một khu phố văn hóa, đúng như danh hiệu mà cư dân trong hẻm đã nỗ lực phấn đấu rất nhiều mới đạt được.
Nguyễn Thị Phương