Ở bậc trung học cơ sở (THCS) hiện nay, khối lớp 9 được học môn hướng nghiệp. Các em được cung cấp những kiến thức cơ bản trong việc chọn nghề cũng như các trường trung học chuyên nghiệp (THCN) có tuyển chọn học sinh tốt nghiệp THCS. Nhiều học sinh rất thích tiết học này, và có em cũng muốn chọn vào học các trường THCN sau khi tốt nghiệp THCS.
Nhưng trở ngại ở đây là phía gia đình. Gia đình nào cũng muốn con em mình học suôn sẻ tới lớp 12 rồi thi đại học chứ không chịu “sang ngang” để đi học nghề (dù những trường này vẫn có chương trình học tập văn hóa tới lớp 12). Chính vì vậy mà nhìn lại các trường THCN hầu như số lượng học sinh vào đây đều đã tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT). Đối với các trường THCN, trường “chuộng” nguồn này hơn vì tiết kiệm được việc dạy văn hóa cho các em. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nhân lực hiện nay cần phải mở thêm nhiều hướng đi cho học sinh lớp 9 sau khi đã tốt nghiệp THCS.
Những năm qua, công tác phổ cập THCS ở nhiều nơi đã hoàn thành. Sau 4 năm học tập, các em học sinh đã ở độ tuổi 15 – 16 có đủ sức khỏe và khả năng để học ở các trường THCN. Sau thời gian đào tạo (khoảng 3 – 4 năm) các em ở độ tuổi 18 – 19 rất lý tưởng để tham gia lao động theo ngành nghề đã chọn. Chỉ trong khoảng 4 – 5 năm làm việc, với độ tuổi 22 – 23, các em sẽ là những thợ giỏi, suy nghĩ chín chắn hơn, đồng thời ở lứa tuổi này có thể đóng góp cao hơn.
Theo chúng tôi được biết, ở những gia đình có làm nghề truyền thống, họ thường truyền nghề cho con cháu ngay từ lúc nhỏ, đến lúc trưởng thành, tay nghề sẽ cứng cáp, chưa kể sẽ có thêm sáng tạo khi làm việc. Xét về mặt kinh tế – xã hội, mặc dù thời gian đào tạo có lâu hơn so với học sinh tốt nghiệp THPT, nhưng tính kỹ lại: 3 năm ở THPT, đôi khi là gánh nặng cho những gia đình, nhất là gia đình đông con. Không ít gia đình ở nông thôn phải bán đất để có tiền nuôi con học đại học. Còn nếu gia đình nào kinh tế hơi yếu chắc chắn sẽ cho con bỏ học giữa chừng. Về phía học sinh, thực tế cũng cho thấy nhiều em lên bậc THPT cũng không theo nổi. Vậy mà vào đại học gần như là mục tiêu của tất cả phụ huynh cũng như học sinh. Nếu năm nay không đỗ lại tiếp tục luyện thi để năm sau thi tiếp. Và chi phí cứ như vậy liên tục tăng lên.
Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng ta rất cần những người thợ lành nghề. Bởi nếu không có tay nghề giỏi thì chất lượng sản phẩm làm ra sẽ không cao. Thiết nghĩ, đã đến lúc các bậc phụ huynh và các em học sinh nên có sự đổi mới trong quan niệm nghề nghiệp. Nghề nào mà phục vụ cho lợi ích của xã hội, cho sự phát triển của đất nước đều quý như nhau bất luận ở trình độ nào. Hiện nay có rất nhiều trường THCN, trường dạy nghề ở các tỉnh và thành phố Hồ Chí Minh tuyển học sinh đã tốt nghiệp THCS. Đây là cơ hội thuận lợi để các em học sinh tự chọn cho mình một ngành nghề phù hợp nhanh chóng đáp ứng nhu cầu lao động trong nước. Sau này, nếu có điều kiện, sẽ tiếp tục học liên thông lên đại học. Đây cũng là một con đường mà không ít những người đi trước đã lựa chọn. Cùng với trường học, cha mẹ hướng dẫn con em chọn nghề có tính đến nhu cầu xã hội kết hợp với nguyện vọng, xu hướng của con.
Lê Quang Huy (GV Trường THCS
Trừ Văn Thố, huyện Cai Lậy, Tiền Giang)