Chiều 17-1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã có cuộc đối thoại trực tuyến tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Nội dung đáng lưu ý là các vấn đề quản lý giá cả, thị trường cũng như minh bạch hoạt động của các doanh nghiệp điện, xăng dầu.
Khắc phục tình trạng tăng giá khi tăng lương
Một công chức ở TPHCM nêu vấn đề về thực trạng mỗi lần tăng lương là một lần các mặt hàng tiêu dùng ào ạt tăng giá khiến việc tăng lương không mang lại ý nghĩa đích thực là cải thiện đời sống cho công chức, viên chức mà còn tạo cơ hội cho lạm phát tăng cao. Tình trạng này đã diễn ra qua nhiều lần tăng lương và cho đến nay vẫn thế.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định, Chính phủ chưa bao giờ in thêm tiền để trả lương cho người lao động, do đó bản chất của việc tăng lương không gắn với vấn đề tiền tệ, về cung tiền nên không gắn với lạm phát. Lạm phát do yếu tố tiền tệ, do chi tiêu công không hiệu quả hoặc nới lỏng chi tiêu công.
Tuy nhiên, theo ông Vương Đình Huệ, vấn đề này có hai ý. Một là đối với khu vực sản xuất, khi tiền lương tăng, giá thành và chi phí sẽ tăng lên, tác động một phần tới giá bán. Thứ hai, việc tăng lương làm quỹ tiêu dùng xã hội tăng lên, tổng cầu tăng lên. Như vậy, biện pháp quan trọng nhất là khi tăng lương phải tăng năng suất lao động xã hội tương ứng, để đảm bảo cân đối tiền - hàng, sẽ không xảy ra hiện tượng chi phí đẩy hay lạm phát, tức là tiền lương tăng lên nhưng giá thành, giá bán đơn vị sản phẩm không thay đổi và chúng ta phải nỗ lực đi theo hướng này.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng cho rằng, yếu tố tâm lý đóng vai trò quan trọng trong việc tăng giá. Nếu chúng ta minh bạch chích sách, giải thích kỹ, tăng lương sẽ không gây ra tâm lý “té nước theo mưa”. Từ ngày 1-5, mức lương cơ bản của cán bộ, công chức, người nghỉ hưu, người có công tăng lên hơn 1 triệu đồng. “Chúng ta sẽ phải tiếp tục tuyên truyền, giải thích rõ với đông đảo người dân, để họ thấy việc tăng lương không trực tiếp ảnh hưởng đến các yếu tố về cung tiền, đến lạm phát. Nếu chúng ta làm tốt, tôi nghĩ rằng yếu tố lạm phát kỳ vọng sẽ được kiềm chế, lạm phát thực tế sẽ không đi trước hay song hành với việc tăng lương”, Bộ trưởng Vương Đình Huệ nói.
Liên quan đến việc hạn chế tác động của tăng giá điện trong năm 2012, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, khi tăng giá điện Nhà nước đã có biện pháp hỗ trợ người nghèo, thu nhập thấp. Giá điện vừa qua tăng nhưng không tăng với người sử dụng từ mức 0 đến 100kWh. Trong năm 2012, giá điện về cơ bản đáp ứng được giá thành kế hoạch, phân bổ thêm một phần lỗ của năm 2011 cũng như đáp ứng được một phần giá bán than sẽ được điều chỉnh tăng 80% so với hiện nay.
Với tinh thần đó, giá điện sẽ tăng nhưng mức tăng phải tính toán kỹ và vẫn phải thực hiện hai mục tiêu. Một là đến năm 2013, thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội là các mặt hàng điện, xăng dầu, than và một số dịch vụ công về cơ bản thực hiện theo nguyên tắc thị trường. Mục tiêu thứ hai là đồng thời kiềm chế lạm phát dưới hai con số.
Thị trường xăng dầu, điện sẽ ngày càng minh bạch hơn
Để minh bạch hoạt động của các doanh nghiệp đang kinh doanh các mặt hàng trọng yếu như điện, xăng dầu…, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, với quyết tâm của Chính phủ trong năm mới, thực hiện tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó có những tập đoàn, công ty kinh doanh trong lĩnh vực điện, xăng dầu... thị trường kinh doanh xăng dầu, điện sẽ ngày càng minh bạch hơn.
Mặt khác, năm 2012, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục thanh tra, kiểm tra giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nhạy cảm này. Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán toàn diện tình hình sản xuất kinh doanh, thực trạng tài chính của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam.
Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Thanh tra Bộ Tài chính sẽ thanh tra tất cả các đầu mối xăng dầu còn lại cũng như các đầu mối bán điện giá cao cho EVN để làm rõ cơ cấu chi phí, giá thành trong kinh doanh điện lực cũng như xăng dầu, phân tích kỹ nguyên nhân khách quan, chủ quan làm tăng giá thành, theo nguyên tắc chỉ chấp nhận bù đắp cho các doanh nghiệp những chi phí thực sự khách quan.
Liên quan đến ý kiến của độc giả về việc một số tổng công ty và các đơn vị thành viên đã thực hiện hành vi chuyển giá hoặc như các doanh nghiệp FDI kinh doanh lãi nhưng lại khai lỗ để trốn thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết đã giao cho cơ quan thuế, thanh tra kiểm tra gắt gao.
Cụ thể, từ 2010 - 2011, thanh tra hơn 1.400 doanh nghiệp báo lỗ có dấu hiệu chuyển giá, xử lý giảm lỗ đến hơn 5.827 tỷ đồng. Năm 2011, số doanh nghiệp phát hiện tăng 2,5 lần so với năm 2010 và cơ quan thuế đã truy thu, xử phạt 1.861 tỷ đồng, tăng 4 lần, giảm khấu trừ thuế 102 tỷ đồng. Hiện Bộ Tài chính đã giao cơ quan thuế hoàn thiện đề án chống chuyển giá và gian lận hạch toán trong doanh nghiệp nói chung, kể cả doanh nghiệp trong nước.
Trước ý kiến của độc giả về trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành với thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhìn nhận, năm 2012 là năm đầy hứa hẹn với chứng khoán. Các giải pháp ngắn hạn cũng như trung, dài hạn đã được tiến hành như: nghiên cứu sửa đổi bổ sung Luật Chứng khoán; đã soạn thảo và trình Chính phủ chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2020. Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư về quỹ mở, tới đây còn xem xét cả những vấn đề về quỹ hưu trí.
“Tôi xin nói rằng, không ít nhà đầu tư trên thế giới đánh giá tiềm năng của thị trường trái phiếu châu Á và trong đó có Việt Nam – thị trường rất triển vọng trong năm 2012”, Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, năm 2012 là năm đánh dấu việc tái cấu trúc mạnh mẽ nền kinh tế trong đó có tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tái cấu trúc thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, đi vào ổn định và khởi sắc trong năm 2012.
NGỌC QUANG