Trong đó, dự án đường VĐ 3 có tổng chiều dài 98,54km được chia làm gồm 4 đoạn: Tân Vạn - Nhơn Trạch; Mỹ Phước - Tân Vạn; Bình Chuẩn - quốc lộ 22 và quốc lộ 22 - Bến Lức. Các dự án này hiện mới lập xong thiết kế cơ sở, đang tìm nguồn vốn đầu tư, chỉ có đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn đã được tỉnh Bình Dương đầu tư và đưa vào khai thác.
Đối với đường VĐ 4, dự án có tổng chiều dài 197,6km gồm 5 đoạn nhưng hiện mới có đoạn Bến Lức - Long An tới cuối tuyến trục Bắc Nam TPHCM được Bộ GTVT cho phép lập dự án đầu tư, các đoạn còn lại chưa tìm được nguồn vốn.
Để thúc đẩy dự án, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại hồ sơ dự án, quyết định phê duyệt đầu tư dự án của Bộ GTVT, đồng thời nghiên cứu về thay đổi trong thực tế để Bộ Tài chính có cơ sở đàm phán, ký kết hiệp định vay vốn của Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc EDCF.
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng yêu cầu các đơn vị báo cáo chi tiết tình hình thực hiện đường VĐ 3 để báo cáo Chính phủ, trong đó đề cập đến việc cân đối nguồn vốn giải phóng mặt bằng của các địa phương liên quan để Chính phủ xem xét, chỉ đạo thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện dự án.
Bộ GTVT cho biết, bộ sẽ tích cực phối hợp với các địa phương là TPHCM và Long An trong giải quyết các vấn đề của dự án.
Bộ GTVT vừa có giải trình về việc dự án đường sắt Phả Lại - Hạ Long triển khai 15 năm nhưng đang dừng thi công gây nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến đời sống của người dân tỉnh Hải Dương.
Cụ thể, trong nhiều năm qua, dự án dở dang khiến hệ thống đường giao thông, kênh mương nội đồng bị chia cắt, ô thửa lớn bị chia thành ô thửa nhỏ... Người dân địa phương đã nhiều lần đề nghị sớm khôi phục dự án để hoàn thành trong thời gian sớm nhất hoặc hoàn trả lại mặt bằng để nhân dân ổn định cuộc sống.
Theo Bộ GTVT, dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư từ năm 2004, trong đó đoạn Phả Lại - Hạ Long đã cơ bản đền bù, giải phóng mặt bằng và thi công phần nền đường cùng các công trình trên tuyến. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, dự án đã bị tạm dừng giãn tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ (Nghị quyết 11 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội) và chỉ thực hiện đến điểm dừng kỹ thuật trong phạm vi vốn đã được bố trí.
Hiện nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chỉ tập trung cho một số dự án cấp bách nên dự án Phả Lại - Hạ Long tiếp tục bị đình hoãn và sẽ có thêm thiệt hại do không thể hoàn thành theo kế hoạch. Bộ GTVT cho biết đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét nghiên cứu, kêu gọi để đầu tư theo hình thức xã hội hóa đối với các hạng mục còn lại, đồng thời rà soát để xem xét, đề xuất đầu tư trong giai đoạn tới khi cân đối được nguồn vốn.