Chiều 5-3, ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Trước tình hình dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp, ngành thú y của tỉnh đang phối hợp với chính quyền địa phương, người chăn nuôi… tăng cường nhiều biện pháp phòng chống. Cụ thể, từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng thú y trong tỉnh đã tiêm phòng trên 2 triệu liều vacxin phòng chống cúm gia cầm. Hiện tại, các huyện, thị tiếp tục kiểm tra đàn gia cầm nhằm tiêm bổ sung đầy đủ, không để sót. Đối với các huyện tiếp giáp biên giới Campuchia như Tân Hồng, Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự, công tác kiểm soát việc vận chuyển gia cầm được tăng cường nghiêm ngặt".
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang, cận Tết Nguyên đán 2017, tỉnh đã phát hiện một ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 trên đàn gà, với 860 con ở hộ ông Nguyễn Văn Toàn, ấp Mỹ Trinh B, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè và đã tiêu hủy hoàn toàn.
Hiện nay, toàn tỉnh Tiền Giang có đàn gia cầm khá lớn với khoảng 12,2 triệu con, tăng 46,7% so cùng kỳ (chủ yếu tăng ở đàn gà 65,4%). Vì vậy, việc phòng chống cúm gia cầm rất được quan tâm. Ngành thú y đang tập trung tiêm phòng cúm A/H5N1 cao điểm đợt 1 đối với đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ tiêm phòng đạt 79,6% đối với đàn vịt, 90,19% đối với đàn gà. Bên cạnh đó, tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh nhằm phát hiện sớm, xử lý ngay và không để dịch lây lan. Đồng thời, thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi từ nay đến ngày 23-3. Chủ các hộ chăn nuôi thực hiện vệ sinh chuồng trại, quét dọn, thu gom phân rác, chất độn chuồng để đốt, chôn hoặc ủ sinh học… sau đó ngành chức năng sẽ phun xịt hóa chất phòng bệnh…
Tại An Giang, ông Trần Tiến Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương và lực lượng thú y triển khai nhanh nhiều giải pháp ngăn chặn dịch bệnh. Nghiêm cấm dưới mọi hình thức về vận chuyển, buôn bán, sản phẩm gia cầm qua biên giới, khu vực tiếp giáp với Campuchia; đồng thời thưởng nóng 500.000 đồng cho bất cứ ai báo tin chính xác về gia cầm chết hàng loạt hoặc nghi cúm gia cầm, đàn gia cầm không tiêm phòng…
Ở Sóc Trăng, các ngành chức năng cũng tập trung cao cho công tác phòng chống cúm gia cầm bởi dịch bệnh xuất hiện ở một số địa phương trong tỉnh. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, toàn bộ gia cầm bị bệnh đã được tiêu hủy; đồng thời thực hiện tiêu độc khử trùng; quản lý vùng có ổ dịch; kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm trên địa bàn; tăng cường quản lý vịt chạy đồng và đẩy nhanh việc tiêm phòng, nhất là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở các vùng nông thôn…
NGUYỄN THANH