Theo thống kê từ cơ quan chức năng, dân số thực tế TPHCM đã 13 triệu người, nhưng chỉ mới đáp ứng khoảng 15% nhu cầu nhà ở. Người nghèo và thu nhập thấp thiếu nhà ở trầm trọng và ngày càng khó mua nhà vì giá tăng quá cao. Tuy rằng một vài doanh nghiệp (DN) tham gia xây dựng nhà ở xã hội nhưng còn khá ít so với nhu cầu do lợi nhuận chưa đủ hấp dẫn và quỹ đất ngày càng hạn hẹp. Do vậy, bên cạnh đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án nhà ở xã hội theo kế hoạch, cho vay ưu đãi với người mua nhà, sử dụng quỹ phát triển nhà cho cán bộ công chức, cần quy hoạch nhà ở phù hợp với mức độ tăng dân số, chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế. Nên chăng, chuyển mục đích sử dụng một tỷ lệ nhất định đất nông nghiệp sang đất ở để người thu nhập thấp có thể mua xây nhà và tránh đầu cơ, đẩy giá lên cao. Cùng với đó, nhân rộng mô hình nhà giá rẻ phục vụ công nhân, cải thiện đời sống vật chất lẫn tinh thần cho số đông như đã làm thành công ở Bình Dương, Đồng Nai. Mặt khác, có cơ chế cho DN bố trí nhà ở tối thiểu 20% số công nhân đang làm việc. Ví dụ, với DN có khoảng 100 công nhân thì xây tối thiểu 20 căn hộ, cứ thế tăng dần lên; có chính sách khuyến khích các DN xây nhà cho thuê giá rẻ, bán giá ưu đãi cho công nhân như Nhà nước hỗ trợ DN miễn thuế sử dụng đất, miễn thuế đầu vào, giảm thuế thu nhập, cho vay ưu đãi lãi suất thấp, bố trí sẵn quỹ đất để xây dựng.
Một giải pháp có thể xem xét nữa là chính quyền có thể đầu tư xây nhà cao tầng với hàng trăm ngàn căn hộ bán không tính lợi nhuận, đem ra đấu giá kêu gọi nhà đầu tư tham gia. Nhà ở kiểu này có thể phục vụ hiện tại, quy hoạch trở thành đô thị vệ tinh cho các thành phố trong tương lai.