Để bạc thành vàng

Đoàn Thể thao Việt Nam đã kết thúc Asiad 17 với 35 huy chương, tính đến ngày hôm qua, xếp thứ 21 trên tổng số 34 đoàn có huy chương tại đại hội. Mục tiêu đoạt 2 - 3 HCV để lọt vào tốp 15 đoàn mạnh nhất đã không đạt được. Liệu đây có phải là một kỳ Asiad thất bại nữa của Thể thao Việt Nam (TTVN) hay không?

Đoàn Thể thao Việt Nam đã kết thúc Asiad 17 với 35 huy chương, tính đến ngày hôm qua, xếp thứ 21 trên tổng số 34 đoàn có huy chương tại đại hội. Mục tiêu đoạt 2 - 3 HCV để lọt vào tốp 15 đoàn mạnh nhất đã không đạt được. Liệu đây có phải là một kỳ Asiad thất bại nữa của Thể thao Việt Nam (TTVN) hay không?

Theo đánh giá của Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang thì xét trên yếu tố chuyên môn, Asiad 17 có thể xem là thành công. Điều này thể hiện qua vị trí thứ 11 tại đại hội nếu tính trên số lượng huy chương. Ngoài ra, số môn đoạt huy chương lần này cao nhất từ trước đến nay (13 môn có huy chương). Nếu xét riêng trong khu vực Đông Nam Á, TTVN xếp hạng 6 về số HCV, nhưng đứng hạng 2 (sau Malaysia) về số HCB và đứng hạng 3 về số huy chương có được ở những môn thi Olympic. Tại Asiad 17, thành tích của đoàn Việt Nam cũng cao nhất, trải đều từ điền kinh, bơi lội, cử tạ, boxing, bắn súng, xe đạp, rowing và taekwondo.

Đây là bước tiến về chất lượng, đúng theo tinh thần đầu tư có trọng tâm của TTVN kể từ sau SEA Games 2013 đến nay. So với kỳ Asiad 16, dù kém hơn số lượng HCB (10 so với 17) nhưng chất lượng thi đấu của đoàn TTVN ở Asiad 17 tốt hơn hẳn, với thành tích của Thạch Kim Tuấn ở môn cử tạ hay Quách Thị Lan ở môn điền kinh khi chỉ kém người đoạt HCV một khoảng cách không lớn. Ngoài ra, lần đầu tiên TTVN có huy chương ở môn thể dục dụng cụ và đặc biệt là 2 chiếc HCĐ trên đường đua xanh của “kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên.

Tuy nhiên, cũng không thể cho rằng việc đoạt HCB hay HCĐ kỳ này thì đến kỳ Asiad sau sẽ chuyển sang màu vàng một cách máy móc được. Trong thi đấu đỉnh cao, sự hơn kém giữa HCV và HCB tưởng là gần nhưng đôi khi là khoảng cách rất xa. Ví dụ như ở môn bơi, dù thành tích của Nguyễn Thị Ánh Viên tiến bộ rất rõ, nhưng các đối thủ đến từ Nhật Bản, Trung Quốc còn tiến mạnh hơn. Hay ở môn cử tạ, dù đã phá kỷ lục Asiad nhưng Thạch Kim Tuấn vẫn thua lực sĩ CHDCND Triều Tiên vốn đang là vô địch thế giới, Olympic. Đặc biệt ở môn điền kinh, dù đã từng đoạt 3 HCB ở Asiad 16 và 2 HCB tại Asiad lần này, nhưng nếu điền kinh Việt Nam không có nhân tố mới thay thế, đến đại hội lần sau không có huy chương cũng là điều bình thường.

Có thể vui vì chiến lược đầu tư tập trung đã có tín hiệu khả quan, nhưng điều đó cũng đặt ra thách thức lớn cho công tác đầu tư cũng như nhân lực kế thừa. Bơi lội hiện chỉ có một Ánh Viên đạt đến đẳng cấp châu Á; điền kinh ở Asiad 16 có đến 3 HCB, 2 HCĐ thì lần này chỉ vỏn vẹn 2 HCB sau khi Vũ Thị Hương đã lớn tuổi và Trương Thanh Hằng thì không còn thi đấu. Ngay chính các môn võ, vốn là thế mạnh của TTVN ở các cuộc tranh tài quốc tế, nếu không có chiếc HCV của Dương Thúy Vi môn wushu thì đây cũng có thể xem là kỳ đại hội thất bại.

Muốn để “bạc thành vàng”, rõ ràng không phải là chuyện đơn giản, mang tính số học. Trong thi đấu đỉnh cao, hoàn toàn không có cơ hội để sửa chữa những sai lầm. Việc đạt được thành tích cao nhất hay không phải bắt đầu từ việc đầu tư cho các VĐV có điều kiện tập huấn và thi đấu thường xuyên ở môi trường đỉnh cao, liên tục cải thiện thành tích theo từng năm để không tụt hậu hoặc thất bại trong những thời điểm mang tính quyết định. Đấy chính là bài học lớn nhất của thể thao Việt Nam tại Asiad 17.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục