Để BOT thực sự là “trái ngọt”

Các công trình giao thông theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) có thể là “trái ngọt”, nhưng cũng sẽ là “trái đắng” cho Nhà nước và người dân, nếu thiếu vắng khung khổ pháp lý chặt chẽ và sự giám sát, kiểm tra sâu sát, kịp thời.

Các công trình giao thông theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) có thể là “trái ngọt”, nhưng cũng sẽ là “trái đắng” cho Nhà nước và người dân, nếu thiếu vắng khung khổ pháp lý chặt chẽ và sự giám sát, kiểm tra sâu sát, kịp thời.

Kết quả kiểm toán 27 dự án BOT giai đoạn 2011 - 2016 mà Kiểm toán Nhà nước vừa báo cáo với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã vẽ nên một bức tranh tối màu. Có 11/27 dự án tính sai giá dự phòng, áp sai giá vật liệu, tính sai khối lượng… làm tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý 465,5 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước phải kiến nghị xử lý tài chính hơn 1.358 tỷ đồng. Đặc biệt, 22/27 dự án phải giảm thời gian thu phí từ 10 tháng đến 13 năm. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nguyễn Văn Thanh ước tính rằng tổng cộng thời gian thu phí của tất cả các dự án có sai sót phải giảm tới cả… trăm năm. Điều này cũng không lấy gì làm khó hiểu, khi mà theo ông Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kỹ thuật cầu đường Việt Nam, có dự án lấy số liệu thống kê trong 2 ngày để suy ra lượng phương tiện cho cả năm. Khi các hệ số đều chỉ là ước tính thì kết quả tất yếu sẽ có sai lệch. Tính sai, và lại sai theo cái cách gây thiệt hại cho người sử dụng, nhiều dự án BOT quả đã thổi bùng bức xúc của công luận.

Tuy vậy, bản thân phương thức đầu tư BOT không có lỗi. Nếu không có BOT, rất khó lòng có được nhiều con đường đẹp, tốt, cho phép các loại phương tiện di chuyển với tốc độ nhanh hơn như thời gian vừa qua. Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Hà Văn Hiền cho rằng, các dự án BOT giao thông là cần thiết trong bối cảnh nhu cầu hạ tầng của đất nước còn rất lớn, mà nguồn vốn ngân sách thì hạn hẹp. Phân tích nguyên nhân sâu xa những bất cập của các dự án BOT, ông Hiền cho rằng, bên cạnh việc các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa đầy đủ, quy trình không chặt chẽ… thì việc triển khai thực hiện, đặc biệt là khâu đánh giá, thanh tra, kiểm tra quá trình thực hiện dự án, “có nhiều vấn đề khiến những người ủng hộ BOT cũng phải thắc mắc”. Việc lập dự án BOT hiện nay phần lớn do doanh nghiệp thực hiện, cơ quan nhà nước thẩm định và phê duyệt. Quá trình này nếu cơ quan nhà nước không quản lý chặt sẽ dễ nảy sinh tình trạng thỏa thuận hoặc “đồng cảm” về định mức giá vật liệu, xác định khối lượng, tổng mức đầu tư, mức phí.

Hơn nữa trong quá trình vận hành, khai thác các dự án BOT, dường như vai trò kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương còn mờ nhạt. Tuy nhiên, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước lại không đề cập đến vấn đề này. Trong khi đó, mặc dù Bộ Giao thông Vận tải đã giao Tổng cục Đường bộ xây dựng các biện pháp kiểm soát, chống thất thoát doanh thu (như lắp đặt camera) tại các trạm thu phí BOT và xây dựng đề án thu phí không dừng (vừa giúp minh bạch nguồn thu của dự án, vừa giúp giảm ùn tắc), cho đến nay các đề án này vẫn chưa được hoàn thiện, triển khai. Như chính Kiểm toán Nhà nước cho biết, sau khi bố trí người của cơ quan này ở trạm thu phí 24/24 giờ để tính lưu lượng xe thì kết quả là thấy số xe khác hẳn với số liệu của nhà đầu tư…

Nhìn ở góc độ nhà đầu tư, các công trình giao thông nói chung, công trình BOT nói riêng thường có vòng đời rất dài, có nhiều rủi ro (như giải phóng mặt bằng chậm vì lý do khách quan...) và đòi hỏi chi phí đầu tư không nhỏ. Chỉ khi đảm bảo hài hòa lợi ích của tất cả các bên: người dân, Nhà nước và nhà đầu tư, thì các dự án BOT mới thu hút được nhà đầu tư, đồng thời cũng đem lại “trái ngọt” cho cộng đồng cùng thụ hưởng.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục