
60 năm qua là một chương rất dài trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và phát triển, xây dựng đất nước. Nhằm góp phần nhìn lại một chặng đường hào hùng của dân tộc, Báo SGGP đã tổ chức cuộc thi phóng sự - ký sự với chủ đề: “30 năm thống nhất đất nước, 60 năm nước CHXHCN Việt Nam” từ 2-9-2004 đến 2-9-2005, nhằm tôn vinh, ghi nhận bản lĩnh, ý chí con người Việt Nam đã vượt qua thử thách nghiệt ngã để đưa đất nước tiến lên phát triển và hội nhập. Đến nay, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận trên 600 tác phẩm.
Khơi gợi lòng tự hào dân tộc

Ban tổ chức cùng các nhà văn, nhà báo khu vực ĐBSCL tại lễ phát động cuộc thi ở TP Cần Thơ.
Cuộc thi khuyến khích mọi đề tài liên quan đến cuộc sống, đề cao giá trị nhân văn, xây dựng lối sống tiêu biểu của con người và truyền thống dân tộc Việt Nam; đề cao những điển hình vượt khó trong hoạt động khoa học, sản xuất –kinh doanh, làm giàu chính đáng; những nhân tố mới, xu hướng mới trên con đường phát triển và hội nhập. Cuộc thi này được sự tài trợ rất nhiệt tình của Ngân hàng TMCP Sài Gòn, đã được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước.
Tại buổi lễ phát động, ông Dương Trọng Dật, Tổng Biên tập báo SSGP, nhấn mạnh: “Là một vũ khí tư tưởng của Đảng, báo SGGP có ý thức đặc biệt trong việc tuyên truyền cho việc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế, xây dựng con người mới, nền văn hóa mới. Chủ nghĩa xã hội không thể ra đời một cách tự phát mà phải do kết quả hoạt động tự giác của mỗi người, đó là những anh hùng thời chiến, anh hùng thời bình đã dũng cảm trong chiến đấu và lao động xây dựng, những con người luôn tìm cách vươn lên để hoàn thiện mình và đóng góp cho đất nước, cho xã hội”.
Tại các buổi lễ phát động ở TPHCM, tại ĐBSCL, miền Trung, Hà Nội, nhiều đại biểu đã chia sẻ, thể hiện sự đồng tâm, hiệp lực cùng báo SGGP để cuộc thi đạt kết quả tốt nhất. Tại Hà Nội, nhiều đồng nghiệp bày tỏ: Có thể nói cuộc thi này, với chủ đề trên, cuộc thi phóng sự – ký sự không còn mang tầm vóc riêng của báo SGGP hay của TPHCM, mà đây là thời điểm rất có ý nghĩa để chúng ta nhìn lại một chặng đường phát triển diệu kỳ của đất nước, ghi nhận những thành quả to lớn của dân tộc.
Khắc họa hình ảnh anh hùng thời bình
Đến nay, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận trên 600 tác phẩm của tác giả gửi về từ mọi miền đất nước. Các đề tài được phản ảnh rất phong phú, đa dạng. Tác phẩm “Phút cô đơn và phẩm chất của người anh hùng” (Nhà văn Lê Thành Chơn) viết về anh hùng Nguyễn Thành Trung – một nhân vật quá quen thuộc, nhưng tác giả cung cấp cho bạn đọc tư liệu mới, đi sâu vào “chuyện bây giờ mới kể”, để khắc họa nên tính cách một anh hùng chân chính. “Người dám đối mặt với tử thần” (Nguyễn Thành Trung) kể về anh Phạm Minh Thư – một con người hầu như chưa hề cảm nhận cuộc chiến tranh đã đi qua.
Trong suốt 25 năm qua, anh âm thầm, cặm cụi với công việc tìm kiếm, thu gom bom mìn do chiến tranh để lại và anh đã tháo gỡ được 18.000 quả bom, mìn, ngăn chặn được nhiều cái chết thương tâm thời hậu chiến. “Chuyện thời bình của một kiện tướng diệt Mỹ” (Khánh Bình) nói về ông Phạm Ngọc Hà - một dũng sĩ mở màn cho lối đánh cảm tử với nhiều chiến công hiển hách. Đến khi hòa bình, ông đã mày mò làm ăn, tự vươn lên, không trông chờ vào tiền trợ cấp của nhà nước.
Cảm nhận về sự lột xác, thay da của các địa phương, ở mọi miền đất nước cũng là một đề tài khơi gợi cảm hứng của nhiều tác giả. “Hoa hậu Đồng Tháp Mười” (Lê Phú Khải) đề cập về một mảnh đất xưa “vẫn nằm yên trong giấc ngủ ngàn năm của hoang vu và bí ẩn”, nay đã trở mình thức giấc bởi ý chí của những con người chấp nhận gian khổ chinh phục thiên nhiên.
Bài phóng sự “Cổ tích ở Động Thông” (Huỳnh Văn Mỹ), khắc họa khá rõ nét sự đổi đời ở một vùng sâu của người Raglai, Ninh Thuận. Đó là một nơi nghèo khó truyền đời. Thế rồi một ngày kia, một công trình thủy lợi được xây dựng nơi đây. Người dân có nước, được cấp đất định canh, định cư và từ đây khởi đầu cho cuộc đời mới.
Ý chí, bản lĩnh của con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước cũng được các tác giả khắc họa khá rõ nét ở nhiều góc độ. “Khát khao những con tàu vươn ra biển lớn” (Phạm Minh Dũng) nói về sự trưởng thành vượt bậc của ngành đóng tàu nước ta, cạnh tranh được với các nước. Tác giả diễn tả rất biểu cảm: “Đã qua lâu rồi cái thời công nghiệp tàu thủy nước nhà chỉ là gõ rỉ, sơn phết, hàn vá, sửa chữa lặt vặt...”.
Bài “Cánh diều ngược gió” (Nhà văn Lê Điệp) đề cập đến nghị lực phấn đấu của Công ty xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình. Họ không chấp nhận làm thầu phụ cho các công trình lớn ngay trên quê hương mình. Đất nước ta vào thời chiến người ta đã ví von “ra ngõ gặp anh hùng”, thì nay trong công cuộc lao động sản xuất làm giàu cho chính mình và cho đất nước, các “anh hùng kiểu mới” cũng xuất hiện không ít.
* * *
Cuộc thi phóng sự - ký sự báo SGGP đã đi hơn nửa chặng đường, sẽ kết thúc và trao giải vào dịp 2 tháng 9 năm 2005, nhân kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam. Ban tổ chức đã nhận được nhiều tác phẩm của các tác giả trong cả nước. Tuy nhiên, do một số tác giả viết chưa đúng thể loại hoặc chưa đúng quy định về thể lệ cuộc thi nên tác phẩm chưa thể sử dụng trên mặt báo. Chúng tôi trân trọng cám ơn sự cộng tác của quý vị và mong tiếp tục nhận được nhiều tác phẩm mới.
LÊ TIỀN TUYẾN