Đề cao trách nhiệm cá nhân

Mối quan hệ giữa trách nhiệm cá nhân và tập thể không phải bao giờ cũng được xử lý một cách hài hòa. Trong hoạt động công vụ lâu nay trách nhiệm cá nhân không rõ ràng, không được đề cao, thật ra cũng là điều dễ hiểu. Từ sâu xa trong quá khứ, có một thời ta đề cao chủ nghĩa tập thể một cách thái quá, có thể đúng trong một giai đoạn lịch sử, ngày nay lại tỏ ra không còn thích hợp. Hệ lụy của nó là triệt tiêu cá nhân, làm thui chột suy nghĩ, sáng kiến, bản sắc của từng cá thể.

Giờ đây, việc khôi phục chế độ trách nhiệm cá nhân nhất định gặp khó khăn vì thói quen đã ăn sâu đến mức được xem là hiển nhiên. Phải có thời gian để điều chỉnh lại từ cơ chế đề bạt, bổ nhiệm, đào tạo, bố trí đúng người đúng việc, thiết lập chế độ trách nhiệm người đứng đầu.

Nếu người đứng đầu cơ quan hành chính từ cấp quốc gia đến chính quyền các cấp không được toàn quyền quyết định nhân sự giúp việc, tham mưu, nói chung là cấp dưới của mình - sẽ không bao giờ thiết lập được chế độ trách nhiệm cá nhân, chế độ trách nhiệm người đứng đầu. Rồi mọi chuyện sẽ vẫn như cũ. “Thành tích là của tôi, khuyết điểm là của cả tập thể!”, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, không ai đứng ra giải quyết những bức xúc của xã hội, của công dân. Thế là thói vô cảm được dịp phát huy, có đất sống, có cớ để tự biện minh.

Thiết nghĩ, ngay trong nhiệm kỳ sắp tới của Chính phủ nên bắt đầu để cho Thủ tướng rộng đường chọn các thành viên Chính phủ và Thủ tướng có trọn quyền thay đổi các thành viên này khi thấy cần thiết, rồi báo cáo lại với Quốc hội. Có làm như vậy mới tránh được tình trạng đáng buồn vừa qua, khi Quốc hội chất vấn vị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng khi để xảy ra vụ bê bối PMU-18, Quốc hội nhận được câu trả lời đại ý: “Trách nhiệm của tôi thế nào còn chờ ý kiến của… Ban Bí thư”.

Ông quên một điều rất cơ bản, ở cương vị của ông, ông còn chịu trách nhiệm cá nhân đối với nhân dân, cử tri cả nước. Đã đến lúc thay đổi lại tư duy trong mối quan hệ cá nhân và tập thể. Cần thay đổi cơ chế tuyển dụng suốt đời làm việc bằng cơ chế hợp đồng linh hoạt, thực hiện chế độ sát hạch thường xuyên, định kỳ, tạo sự thay đổi, đào thải, bổ sung người giỏi cho đội ngũ công chức, ban hành luật hoạt động công vụ để quy định trách nhiệm quyền hạn của công chức khi thực thi công vụ, thiết lập một công nghệ hành chính tiên tiến mà công chức ở mọi cấp, mọi vị trí phải vận hành đúng theo khuôn khổ.

Bên cạnh giải quyết chế độ lương thỏa đáng, cần thực hiện nghiêm túc việc thi tuyển công chức, thi tuyển cạnh tranh vào các chức danh lãnh đạo các cấp, tạo dựng dần một văn hóa “từ chức” trong hệ thống công bộc của dân ở các cấp.

Có làm được như vậy mới mong tạo bước đột phá để đủ sức kiến tạo thành công Nhà nước pháp quyền, dân chủ cho toàn dân và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

DIỆP VĂN SƠN

Tin cùng chuyên mục