Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể vẫn đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến rộng rãi toàn xã hội. Sau khi tập hợp ý kiến bước đầu, Bộ phận thường trực Đổi mới chương trình GDPT đã có giải trình về những góp ý của xã hội. Nhưng cho đến thời điểm này, vẫn còn rất nhiều ý kiến tiếp tục đóng góp cho dự thảo này, cho thấy đây là dự thảo được nhân dân đặc biệt quan tâm. Vì thế, Ban soạn thảo cần có sự lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp thực sự thiện chí, cầu thị. Đây cũng là mong muốn của các chuyên gia giáo dục, đại diện các bậc phụ huynh trong toàn xã hội. Đó cũng là lý do mà ngày 5-11, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo “Chương trình GDPT tổng thể từ tầm nhìn đến hiện thực” để các chuyên gia tiếp tục có cơ hội góp ý kiến.
Nhiều ý kiến nhận xét, đây là thay đổi lớn nhất từ năm 1945 trở lại đây và là thay đổi có ý nghĩa nhất, tích cực nhất trong những lần đổi mới GDPT từ trước đến nay.
Bà Phạm Thị Ly, Giám đốc chương trình nghiên cứu - Viện Đào tạo quốc tế, ĐHQG TPHCM phân tích, quan điểm đổi mới GDPT lần này chuyển từ nền giáo dục trang bị kiến thức sang phát triển năng lực học sinh; xác định rõ những phẩm chất, năng lực mà học sinh đạt được sau khi học phổ thông, trong đó có khả năng tự học, tự giải quyết vấn đề, năng lực giao tiếp, biết yêu thương, sống tự chủ và có trách nhiệm. Dự thảo cũng đưa ra được cấu trúc những môn học tự chọn, bắt buộc, bảo đảm một số năng lực cốt lõi và cá nhân hóa quá trình giáo dục, khích lệ sự khác biệt - nền tảng nuôi dưỡng khả năng sáng tạo. Cùng với đó, xác định dạy tích hợp để giảm quá tải, hình thành năng lực học sinh. Việc phân hóa ở các lớp trên có thể giúp các em phát huy năng lực, sở trường, cá nhân hóa hoạt động giáo dục thay vì bản sao hàng loạt. Đây chính là điểm khác biệt nổi bật so với những đổi mới trước đây, nếu thực hiện được thì sẽ tạo ra thay đổi về chất của GDPT.
Tuy vậy, xã hội vẫn còn quá nhiều ý kiến tranh luận đóng góp cho dự thảo này, với mong muốn chương trình GDPT mới sẽ có được một hình hài “chuẩn” nhất, đáp ứng được kỳ vọng lớn lao của xã hội về lần đổi mới này. Đơn cử như những tranh luận gay gắt đang diễn ra của giới sử học, các chuyên gia giáo dục về vị thế của môn sử trong chương trình GDPT mới. Bộ GD-ĐT muốn tích hợp môn sử cùng môn đạo đức công dân, an ninh quốc phòng thành môn học mới là Công dân với Tổ quốc. Nhưng các nhà sử học cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, không thể tích hợp môn sử, mà nhất định đó phải là môn học độc lập. Bởi nếu chúng ta buông lơi giáo dục môn sử trong nhà trường, thì nhất định sẽ phải chịu hậu quả không thể lường được đối với tương lai của dân tộc. Các nhà sử học đang thể hiện quyết tâm tranh luận tới cùng về vấn đề này, còn Bộ GD-ĐT hiện tại vẫn bảo lưu quan điểm, dù ngày 5-11, ông Đỗ Ngọc Thống, Bộ phận thường trực Đổi mới chương trình GDPT đã tiết lộ, nếu qua bàn bạc, thấy ý kiến của xã hội là xác đáng, có thể Bộ GD-ĐT sẽ trả lại vị trí là môn học độc lập cho sử.
Rõ ràng, qua vấn đề vị thế môn sử trong dự thảo chương trình GDPT mới có thể thấy, nội dung của dự thảo chương trình còn nhiều vấn đề chưa nhận được sự đồng thuận. Mới đây nhất, Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam do GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đã hội thảo và có văn bản góp ý với dự thảo chương trình. Theo hiệp hội, còn quá nhiều vấn đề của chương trình cần phải tiếp tục bàn thảo kỹ. Trong đó có vấn đề phân luồng học sinh sau THCS, như Nghị quyết 29 đã chỉ ra, vẫn đang bỏ ngỏ, ai sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này; phân bổ nhiều môn học chưa hợp lý; việc chỉ ra mối liên quan giữa các môn học tự chọn 2 với định hướng nghề nghiệp khi học lên đại học là hoàn toàn không cần thiết…
Có một vấn đề đáng nói là, rất nhiều ý kiến đã đề xuất Chính phủ tới đây cần có cơ chế phản biện về các chính sách giáo dục, bởi trong thời gian qua, ngành giáo dục nói là “tiếp thu” và “lắng nghe” nhưng chưa thực sự hiệu quả. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, Bộ GD-ĐT dự định tích hợp môn sử và các môn khác, nhưng chưa bao giờ bộ mời các cơ quan chuyên môn liên quan đến để bàn với nhau xem có tích hợp được không, tích hợp thế nào, tất cả chỉ là công bố trên mạng. Cách làm như vậy nên gây phản ứng của xã hội cũng là điều dễ hiểu.
Một đòi hỏi nóng bỏng hiện nay là Bộ GD-ĐT cần có một cơ chế, một nguyên tắc đối thoại trong các vấn đề giáo dục, để làm sao những đóng góp xác đáng phải được thực sự trân trọng, lắng nghe, tiếp thu với thiện chí cao nhất. Không thể để xã hội, các nhà khoa học có tâm lý người góp ý cứ góp ý, còn người tiếp thu vẫn bảo lưu những gì đã soạn thảo.
LÂM NGUYÊN