Để dân “nói chuyện”

Nhân dân rất bất bình với những đơn vị vi phạm pháp luật, tìm cách lẩn tránh trách nhiệm, và cả các cơ quan quản lý “ngó lơ”, thậm chí bao che cho những hành vi vi phạm đó.

Tuy Đảng và nhà nước đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, nhưng đáng tiếc hiện tượng này vẫn kéo dài. Một số đơn vị làm ăn trái pháp luật, vô trách nhiệm gây phiền hà, thiệt hại cho dân, nhưng chúng ta có cả một hệ thống chính trị như: các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, công an và tổ dân phố nữa nhưng vẫn phải bó tay trước những người không tuân thủ pháp luật.

Một vụ Vedan và các đơn vị xả thải nước bẩn ra môi trường kéo dài hàng chục năm. Những vụ đền bù giải tỏa sai trái gây thiệt hại cho dân trong nhiều năm do lấy đất chưa trả tiền, lấy đất không tái định cư, giữ đất trống kéo dài trong lúc dân không có đất canh tác. Ngay cả việc nhập về hàng trăm container rác và phế thải, chúng ta cũng không có cách gì tìm ra thủ phạm lại phải bỏ tiền ra tiêu hủy.

Lại nữa, nhận tiền làm bờ kè, bờ ngăn khu triều cường nhưng lại không làm đúng quy định, lúc nước tràn vào nhà dân mới biết “quên” chưa mở bờ ngăn.

Đặc biệt, các lô cốt vẫn còn mọc khắp nơi, tồn tại một cách “hồn nhiên” gây ách tắc giao thông, mất nơi buôn bán, không nắp đậy dân té chết và bị thương… nhưng lại “bó tay” vì không biết làm thế nào. Một số người bất chấp pháp luật xây nhà không phép, xây vượt tầng lại được “du di” cho tồn tại tạo nên “làn sóng” xây nhà không phép ở khắp nơi. Ngay cả nạn đua xe trái phép ầm ĩ thế mà cũng không có biện pháp gì chặn đứng.

Chẳng lẽ chúng ta tuyên bố “đầu hàng” hoặc phải nhắm mắt làm ngơ trước nạn tiêu cực đầy rẫy trong xã hội văn minh này?

Để ngăn chặn các vi phạm trên, chúng tôi kiến nghị lãnh đạo các cấp nên sử dụng một số biện pháp sau đây:

1- Đề cao vai trò của nhân dân thông qua tổ khu phố với sự hỗ trợ của chính quyền và công an dân phòng có quyền biết các việc đang làm trên địa bàn, giám sát việc thi công theo quy định theo thời biểu công bố.

2- Khi đơn vị thi công vi phạm thì tổ chức trao đổi với dân, họ xin phép dân tiếp tục thi công như thế nào và cam kết thời gian thi công sắp tới. Chính quyền, công an, đơn vị quản lý thi công phải cùng với dân “nói chuyện” với đơn vị thi công, kinh doanh.

3- Nếu họ tiếp tục vi phạm, cho phép dân “nói chuyện” với đơn vị có sự chứng kiến của chính quyền, công an, đơn vị quản lý. Từ đây có áp mức phạt đối với đơn vị thi công, kinh doanh. Hạn đầu tiên vi phạm thì phạt bao nhiêu, các hạn sau sẽ phạt nâng giá. Cho phép các hộ dân, các điểm kinh doanh buôn bán bị thiệt hại được nêu yêu cầu bồi thường – như yêu cầu đối với những đơn vị vi phạm môi trường. Nếu các đơn vị này thiếu thiện chí, vẫn ngoan cố vi phạm đề nghị cho phép dân chế tài bằng cách: phong tỏa công trình, ngăn chặn thi công (dưới sự giám sát của công an, chính quyền) cho đến lúc họ chấp hành pháp luật, tuân thủ cam kết.

Làm như thế chính là tôn trọng quyền làm chủ của dân, ngăn chặn bọn vi phạm luật pháp, phơi bày tư cách bọn bao che, nhận hối lộ và kẻ tiêu cực.

4- Cần sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với tình hình mới để ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực và xử lý nghiêm những người vi phạm pháp luật. Cùng với sự quản lý chặt chẽ, trách nhiệm của các cấp chính quyền, nên tạo cơ chế để dân “nói chuyện” trực tiếp với những kẻ coi thường pháp luật ngang nhiên gây khó dễ cho dân. Chỉ có áp lực trực tiếp của dân thì mới trấn áp được bọn vi phạm pháp luật, lại có cơ sở để phát hiện cán bộ các cấp đã hết lòng vì dân hay chỉ nói miệng mà trong thực tế lại lo cho bọn làm ăn tiêu cực. 

ĐINH PHONG

Tin cùng chuyên mục