Số lượng CLB chuyên nghiệp hiện nay đạt con số kỷ lục là 26 đội, trong đó giải hạng nhất lần đầu tiên đạt đến 12 đội tham dự, chỉ còn kém 2 so với 14 đội dự V-League. Đây là sự khởi sắc đáng ghi nhận sau 2 năm rất thành công của bóng đá Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
Không chỉ ở số lượng, cùng với những khoản tài trợ lớn dồn dập đến với các đội tuyển quốc gia cả nam lẫn nữ thì tại hệ thống cấp CLB, đã xuất hiện thêm nhiều nhà đầu tư lớn. Tại V-League xuất hiện tân binh Hồng Lĩnh Hà Tĩnh được cho là có sự hậu thuẫn từ tập đoàn Vingroup. Ở TPHCM, đội bóng Sài Gòn FC cũng chính thức có chủ sở hữu mới giàu tiềm lực tài chính. Cùng với CLB TPHCM đang được đầu tư mạnh mẽ về lực lượng, thì hy vọng tại mùa giải mới, người hâm mộ sẽ phủ kín sân Thống Nhất để tiếp sức cho các đại diện của mình đua tranh chức vô địch sau gần 2 thập niên tìm kiếm. Trong khi đó, sau khi tài trợ cho đội tuyển bóng đá nữ trong 5 năm tới, tập đoàn bất động sản Hưng Thịnh lại đổ tiền đầu tư vào đội bóng giàu truyền thống Bình Định ở giải hạng nhất…
Những gì đã diễn ra với bóng đá Việt Nam trong 2 năm qua cũng gần giống như cách đây 10 năm. Thời điểm đó, hàng chục doanh nghiệp lớn đã tham gia tài trợ, thậm chí là xây dựng hẳn một đội bóng mới để thi đấu tại V-League, qua đó đưa giải đấu số 1 Việt Nam lọt vào tốp 50 giải vô địch quốc gia hấp dẫn nhất hành tinh. Có thời điểm, người ta ước tính mỗi mùa giải có đến 1.000 tỷ đồng đổ vào các CLB chuyên nghiệp. Cầu thủ bóng đá trở thành một nghề thu nhập cao. Nhưng sau cuộc khủng khoảng bất động sản và tài chính cuối thập niên trước, bóng đá là nơi nhận hậu quả đầu tiên. Các doanh nghiệp rút lui, có ít nhất 5 đội bóng phải giải thể hoặc trở lại mô hình bán chuyên nghiệp, chỉ làm công tác phong trào địa phương. Sau cú sốc đó, bóng đá Việt Nam cũng sa sút không phanh trên bình diện đội tuyển, kéo dài cho đến khi xuất hiện HLV Park Hang-seo.
Chính vì thế, vui với sự khởi sắc cả về lượng và chất của làng cầu nội địa hiện nay thì các nhà quản lý cũng đối diện với bài toán của 10 năm trước, đó là làm sao tận dụng tốt cơ hội để khi xảy ra những yếu tố khó khăn bất khả kháng thì nền bóng đá vẫn có đủ khả năng duy trì vị thế của mình.
Khác với 10 năm trước, các nhà đầu tư cho bóng đá nội giai đoạn này đều giàu tiềm lực, kinh doanh đa ngành và thương hiệu cũng có sẵn từ trước. Chính vì thế mà các đội bóng không phải đổi tên, gắn thêm thương hiệu vào phía trước để quảng cáo cho nhà tài trợ. Điều này cho thấy yếu tố đầu tư được xem trọng, không phải vì những lợi ích quảng cáo ngắn hạn như trước đây. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp đều cam kết đầu tư cho khâu đào tạo, với nguồn cảm hứng từ những ngôi sao trẻ tỏa sáng dưới thời HLV Park Hang-seo.
Công bằng mà nói, ở thời điểm nào thì bóng đá Việt Nam cũng có khả năng thu hút được các nguồn lực từ xã hội tham gia. Đây là ưu thế đặc biệt của bóng đá, môn thể thao gần như độc tôn về sự quan tâm của công chúng do có cả tính giải trí lẫn yếu tố xã hội. Vấn đề là chính những người điều hành bóng đá vẫn chưa có kế hoạch mang tầm chiến lược để tiếp nhận, thuyết phục các khoản đầu tư đó. Rất may là 10 năm trước, vẫn có những “ông bầu” mạnh dạn đầu tư cho khâu đào tạo. Với đam mê của mình, họ nhìn thấy được kết quả tốt đẹp nếu làm bóng đá căn cơ và những gì mà bóng đá Việt Nam đang có phần lớn đến từ tầm nhìn cũng như nguồn lực của các “ông bầu” mê bóng đá. Nói cách khác, nếu chứng minh bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam có thể tạo ra nguồn lợi lớn, có sự tác động đến cộng đồng mạnh mẽ, thương hiệu doanh nghiệp có thể được quảng bá ở tầm vóc châu lục, thì tự nhiên sẽ thuyết phục được các doanh nghiệp lớn trong nước bỏ vốn làm bóng đá thay vì chỉ chi một số tiền hạn chế để làm quảng cáo ngắn hạn theo kiểu “khi vui thì vỗ tay vào”.
Nhưng muốn không để lỡ cơ hội quý hiện nay, những tổ chức như Liên đoàn Bóng đá (VFF) hay Công ty VPF không thể chỉ làm mỗi việc là cố gắng tổ chức các giải đấu “đi đến nơi, về đến chốn”. Cần phải hoàn thiện hơn các quy chế chuyên nghiệp, siết chặt các tiêu chuẩn thi đấu và đặc biệt là phải nâng cao năng lực điều hành để tạo ra môi trường công bằng trong thi đấu, thu hút được khán giả trong khâu quảng bá và cũng phải khuyến khích các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến hệ thống đào tạo.