Để mỹ thuật ứng dụng mang bản sắc Việt

Thời gian qua, trên cả nước chúng ta đang thực hiện nhiều biện pháp chấn chỉnh về việc sử dụng những biểu tượng điêu khắc ngoại lai vừa hữu hình vừa mang tính tâm linh và nhiều vấn đề khác nữa được đặt ra… Thí dụ thứ nhất: Các loại thổ cẩm của các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam đã mất dần bản sắc riêng vì không còn thực hiện cách tạo sợi, xe sợi, nhuộm màu theo phương pháp truyền thống nữa! Thí dụ thứ hai: Các nhà văn hóa của chúng ta đã phản đối cách dùng câu chữ “Festival đờn ca tài tử” mà kêu gọi nên thay là “Lễ hội đờn ca tài tử”…

Hơn bao giờ hết, chúng ta cần tiến hành nhiều chiến dịch, biện pháp vận động, thanh lọc những yếu kém về nhận thức trong tư duy, sáng tác, sử dụng những sản phẩm văn hóa xa lạ, xa rời bản sắc Việt, đồng thời tìm nhiều giải pháp để mỹ thuật ứng dụng gắn nhiều hơn nữa với văn hóa quê nhà.…

Bản sắc văn hóa Việt không phải là những hình thái hữu hình và vô hình, bất di bất dịch mà nó luôn vận động chuyển hóa trong xu thế giao lưu, kế thừa, tinh lọc, bổ sung, đổi mới để làm đẹp hơn, độc đáo hơn và phong phú hơn… trên cơ sở sự tư duy sáng tạo bằng tình yêu nghệ thuật, yêu văn hóa quê hương và lòng tự trọng của nghệ sĩ Việt Nam. Chính vì thế, giới mỹ thuật cần chia sẻ, tìm ra những biện pháp tư duy thực hành sáng tạo, thiết kế mẫu mã; thi công, sản xuất nên những sản phẩm mỹ thuật ứng dụng có giá trị thẩm mỹ, giá trị kinh tế, giá trị sử dụng và chuyển tải được những hình tượng, cái hồn văn hóa có sự hòa quyện vừa tinh tế, vừa hiện đại trong tư duy tạo hình, tạo dáng sản phẩm.

Đối với các nghệ nhân, nhà thiết kế: Khi chúng ta sáng tác, thiết kế cho chính người dân Việt hay đưa ra thị trường hàng hóa Việt Nam… thì nhà thiết kế phải quan tâm đến những yêu cầu về nghiên cứu, sáng tạo, kế thừa, phát huy những bản sắc tốt đẹp của dân tộc cùng với cách nhìn riêng của tác giả từ hình thức cho tới cái hồn trên cơ sở tìm ra những sáng tạo mới vừa độc đáo, vừa Việt Nam. Nhà thiết kế cần tạo ra những mẫu thiết kế mới phù hợp với người Việt từ công năng cho đến hiệu quả thẩm mỹ.

Đối với nhà trường và xã hội: Đây là vấn đề quan trọng, nếu bản thân các cơ sở đào tạo, các nhà giáo dục, những chuyên gia về mỹ thuật, những nhà phê bình lý luận về chuyên môn không có sự phối hợp đồng bộ; không xây dựng được những môi trường đào tạo chuyên biệt; không nêu ra những yêu cầu cụ thể trong nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy đối với từng đề bài, từng sản phẩm, cho từng học viên, từng công nhân, từng nghệ nhân… thì sẽ khó thực hiện được chủ trương này.

Đặc biệt để thay đổi thói quen sử dụng những sản phẩm ngoại lai xa rời bản sắc văn hóa, các nhà giáo dục, các nghệ sĩ thiết kế, nghệ nhân, nhà văn hóa, hệ thống truyền thông… phải có trách nhiệm tuyên truyền, có sức thuyết phục làm thay đổi tư duy, thói quen của xã hội kèm với những quy định về bảo vệ văn hóa có hiệu quả.

Đối với nhà nước: Để làm được điều này, lãnh đạo nhà nước phải kiểm tra, vận động từng cơ quan, từng đơn vị, từng cán bộ làm gương trong việc bảo vệ bản sắc Việt. Đặc biệt, trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, các chuyên gia văn hóa nghệ thuật phải bằng mọi cách để kịp thời, tiến hành thể chế hóa những sự chỉ đạo từ nghị quyết của Đảng. Lực lượng cán bộ lãnh đạo phải có chuyên môn nghiệp vụ, hiểu biết sâu về văn hóa, có lòng yêu thích mỹ thuật và có tinh thần trách nhiệm, nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp.

Để dần dần cải thiện tình trạng như hiện nay, nhà nước cần quan tâm, đầu tư xây dựng từ hệ thống các trường lớp dạy nghề, các trường mỹ thuật ứng dụng, các khoa mỹ thuật truyền thống, có quy mô thích hợp, với nội dung chương trình được cập nhật… để đào tạo về nghệ thuật dân gian, nghệ thuật thủ công cho đến các loại trường thiết kế với các trang thiết bị hiện đại.

Nhà nước nên có biện pháp nuôi dưỡng các làng nghề truyền thống của các địa phương: động viên, thuyết phục, tài trợ, hỗ trợ, giáo dục - đào tạo chuyên môn gắn với nghề, để lực lượng này tiếp tục sống được bằng nghề mà cha ông để lại… Từ đó góp phần cùng người dân các làng nghề bảo vệ nguyên vẹn cách tư duy sáng tạo, quy trình, vật tư, nguyên liệu sản xuất truyền thống để góp phần nuôi dưỡng các hình thái nghệ thuật dân gian độc đáo, mang bản sắc văn hóa riêng…

Nếu không gìn giữ, nuôi sống được các làng nghề truyền thống, nghệ nhân, tạo điều kiện tốt cho đầu ra các sản phẩm trên các thị trường quốc tế và quốc nội thì mọi lý thuyết, sự định hướng sẽ là con số không.

Ngày nay, việc kế thừa, bảo vệ, phát huy, sáng tạo các hình thái nghệ thuật dân gian, nghệ thuật truyền thống Việt Nam; những hình thái nghệ thuật thị giác hiện đại trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng bao gồm những tác phẩm, sản phẩm mỹ thuật thủ công lẫn mỹ thuật công nghiệp… đa dạng, phong phú, độc đáo hơn nữa là điều vô cùng cấp thiết để thay thế cho những sản phẩm mỹ thuật, tư tưởng thẩm mỹ ngoại lai đã và đang làm loãng, làm nhạt phai cái hồn Việt trong không gian sống Việt Nam.

Hơn bao giờ hết, tất cả chúng ta cũng cùng nhau thực hiện điều này trên cái nền của truyền thống văn hóa tốt đẹp về lòng yêu nước, lòng tự trọng và trung thực của con người Việt Nam.

UYÊN HUY
Họa sĩ - NGND - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM

Tin cùng chuyên mục