Từ Tết Nguyên tiêu Nhâm Ngọ năm 2002, làng thơ Việt Nam đã có ngày hội của mình. Ấy là Ngày Thơ Việt Nam. Đây là một trong những lễ hội mới, có nhiều ý nghĩa và mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, bởi dân tộc Việt Nam là dân tộc thơ.
Một lễ hội mới sẽ hình thành một mỹ tục mới trong đời sống hiện đại, cho nên việc định hình về cơ bản quá trình tổ chức chưa thể ngày một ngày hai. Nhưng có một điều đáng ghi nhận là ngày hội thơ Việt Nam được cộng đồng hưởng ứng, làng thơ vui vẻ yên lòng.
Tại cuộc họp ngày 15-11 ở TPHCM, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch HNV VN; nhà văn Lê Văn Thảo, Phó Chủ tịch HNV VN, Chủ tịch HNV TPHCM; nhà văn Trần Văn Tuấn, Trưởng ban đại diện HNV VN tại TPHCM cùng các nhà thơ trong BCH HNV TPHCM đã có cuộc họp thống nhất tư tưởng chủ đạo và phương pháp tổ chức Ngày Thơ VN lần thứ 8, Rằm tháng giêng năm Canh Dần 2010.
Theo đó, Ngày Thơ VN lần này là dịp để làng thơ VN cùng cả nước kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, 120 năm ngày sinh Bác Hồ, 80 năm thành lập Đảng, 65 năm thành lập nước, 35 năm đại thắng mùa xuân, thống nhất đất nước…
Đã xuất hiện những tiền đề cho lễ hội Thơ VN. Do đặc trưng là lễ hội thơ nên tất nhiên ngoài yêu cầu về tư tưởng chủ đề, phải tính đến tính đặc sắc riêng biệt của thơ VN.
Theo dõi hoạt động Ngày Thơ VN, chúng tôi xin có mấy ý kiến:
1- Đây là dịp tập hợp đông đảo mọi người, nhất là giới văn nghệ sĩ, bởi đây là ngày hội của không chỉ người làm thơ và thơ có mặt trong tất cả các loại hình nghệ thuật, cần tạo nên hiệu ứng chú ý của mọi người.
2- Ngày Thơ VN là dịp tôn vinh những thành tựu thơ VN, nghĩa là không chỉ thưởng thức những sáng tác mới, tâm huyết của những người tham dự, mà còn là dịp đến thưởng thức lại những giá trị thơ ca khác nữa.
Lấy ví dụ, trong Ngày thơ VN chúng ta giới thiệu lại những bài thơ của Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị, Nguyễn Thông…, thơ của Huỳnh Văn Nghệ, Trang Thế Hy, Dương Tử Giang, Lê Anh Xuân, Diệp Minh Tuyền, Lê Giang, Nguyễn Chí Hiếu… Chúng ta vinh danh những nhà thơ nhiều thế hệ, những người vắng mặt…
Ngoài ra đây cũng là dịp giới thiệu những tác giả mới, tác giả trẻ và tác giả nữ, kể cả những tìm tòi mới lạ trong thơ… Điều đó rõ ràng cần sự xuất hiện của những nhà lý luận phê bình uy tín.
3- Một trong những vấn đề của thơ VN hiện nay là việc phổ biến thơ đến với công chúng. Từ hát thơ theo các làn điệu dân ca, đến ngâm thơ, rồi đọc thơ, đọc thơ trên nền nhạc… để công chúng biết đến thơ nhiều hơn. Vậy nên chăng đưa Ngày Thơ VN vào các nhà văn hóa, các trường học, kể cả nhà máy, xí nghiệp, nghĩa là đưa thơ mộc đến với công chúng…
Hơn 30 năm qua, phong trào “tiếng thơ” từ đài phát thanh, truyền hình đã định hình và tạo những địa chỉ mang tính quần chúng và truyền thống tại các địa phương: CLB thơ Phú Nhuận, Thủ Đức, Q8, Q5, “Đêm trăng Đầm Sen” , Q11, Cung văn hóa Thanh niên, Nhà văn hóa Lao động…
HNV VN và HNV TPHCM là đơn vị tổ chức Ngày Thơ VN hàng năm. Chắc chắn với lòng yêu thơ, được sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể, được sự tài trợ của các doanh nghiệp… và hưởng ứng của đông đảo công chúng, Ngày Thơ VN sẽ trở thành lễ hội văn hóa đẹp trong đời sống xã hội VN phát triển.
SA NAM