Dự thảo Nghị định quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế (thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ) đã được Bộ KH-ĐT hoàn tất, gửi Bộ Tư pháp thẩm định.
Theo đó, để phù hợp với Luật Quy hoạch, dự thảo nghị định bãi bỏ quy định về lập, điều chỉnh, bổ sung và phê duyệt quy hoạch phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế và thay thế bằng quy định về phương hướng xây dựng, phương án phát triển hệ thống KCN, KKT.
Về quy trình đầu tư của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, dự thảo nghị định bãi bỏ thủ tục thành lập KCN nhằm giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và địa phương trên cơ sở quy mô diện tích và địa điểm thực hiện KCN được phê duyệt tại quy hoạch chung xây dựng hoặc quy hoạch phân khu xây dựng KCN. Việc cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công sau khi có quy hoạch xây dựng KCN được phê duyệt là đủ cơ sở để xác định thời điểm KCN được thành lập.
Đáng lưu ý, dự thảo nghị định bổ sung quy định nhằm đẩy mạnh sự phát triển các loại hình KCN, KKT mới. Cụ thể, bổ sung loại hình khu công nghiệp chuyên ngành. Đây là loại hình KCN chuyên sản xuất và cung ứng dịch vụ cho sản xuất các sản phẩm thuộc một ngành, nghề nhất định như: dệt may, da giày, điện tử, ô tô... Tỷ lệ diện tích đất công nghiệp cho các dự án đầu tư vào ngành, nghề này thuê đất, thuê lại đất tối thiểu đạt 60% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê của khu công nghiệp.
Việc bổ sung thêm loại hình khu công nghiệp này nhằm mục tiêu hình thành liên kết sản xuất và đẩy mạnh hợp tác sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành trong KCN – Bộ KH-ĐT lý giải.
Loại hình KCN công nghệ cao cũng được đề nghị bổ sung. Đây là loại hình là KCN có các dự án đầu tư khoa học và công nghệ, công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, bảo vệ môi trường, khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, giáo dục và đào tạo, sản xuất hàng công nghiệp và cung ứng dịch vụ cho sản xuất công nghiệp. Tỷ lệ diện tích đất công nghiệp cho các dự án đầu tư khoa học và công nghệ, công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, bảo vệ môi trường, khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, giáo dục và đào tạo thuê đất, thuê lại đất tối thiểu đạt 30% diện tích đất công nghiệp của khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, bổ sung loại hình KKT chuyên biệt. Đây là loại hình khu kinh tế được thành lập ở vùng kinh tế trọng điểm, có khả năng kết nối thuận lợi với các trục hành lang kinh tế khu vực và quốc tế, tiếp cận dễ dàng với các thị trường quốc tế. Loại hình KKT này được bổ sung để các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong vùng kinh tế trọng điểm có cơ hội phát huy tổng hợp các lợi thế về điều kiện kết nối thị trường quốc tế thuận lợi, nguồn nhân lực chất lượng cao tại khu vực có thể thu hút và phát triển ngành, lĩnh vực có tính cạnh tranh quốc tế.
Đặc biệt, bổ sung khu phi thuế quan trong KKT. Đây là khu vực có ranh giới địa lý được xác định trong quy hoạch chung xây dựng KKT, ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm điều kiện cho hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và phương tiện vận tải, hành khách xuất cảnh, nhập cảnh, hàng hóa, phương tiện vận tải và người ra vào; quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu phi thuế quan với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu.
Các quy định về chính sách hỗ trợ và hợp tác phát triển, tiêu chí xác định, ưu đãi, chứng nhận, trình tự, thủ tục đăng ký chứng nhận KCN sinh thái cũng là nội dung mới trong dự thảo nghị định sửa đổi.