Đề nghị ngưng cho thuê 2 khu đất sử dụng không đúng mục đích của VNPT

Đề nghị ngưng cho thuê 2 khu đất sử dụng không đúng mục đích của VNPT
Dãy ki ốt trên đường Nguyễn Đình Chiểu thuộc Công ty Viễn thông liên tỉnh (VNPT) quản lý sử dụng không đúng mục đích. Ảnh: M.ANH

Dãy ki ốt trên đường Nguyễn Đình Chiểu thuộc Công ty Viễn thông liên tỉnh (VNPT) quản lý sử dụng không đúng mục đích. Ảnh: M.ANH

2 cơ sở đất sử dụng không đúng mục đích, có địa chỉ tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu và số 27 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1.

Chiều 6-7, báo cáo với Đoàn giám sát (Đoàn Đại biểu QH TPHCM) về tình hình quản lý và sử dụng đất của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VN (VNPT) trên địa bàn TPHCM từ năm 2006 đến nay, ông Lý Kiệt, Phó Tổng Giám đốc VNPT, cho biết: Cơ sở tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu do Ban quản lý Dự án khu vực II thuộc Công ty Viễn thông Liên tỉnh quản lý. Cơ sở này được giao cho BQLDA sử dụng làm nhà làm việc, không có chức năng cho thuê. Tuy nhiên, đơn vị này đã cho DNTN Viễn thông tin học Viễn Tiến thuê một phần nhà làm cửa hàng bán điện thoại.

Còn cơ sở tại số 27 Nguyễn Đình Chiểu hiện do Trung tâm Kinh doanh tem bưu chính II Công ty Tem quản lý. Cơ sở này được Tổng cục Bưu điện, UBND TPHCM cho phép trú đóng. Dự án này được cấp phép xây dựng là nhà làm việc, bảo tàng, không có chức năng cho thuê. Tuy nhiên, đơn vị này cho Công ty CP XD-KD địa ốc Hòa Bình thuê một phần diện tích làm văn phòng và sàn giao dịch chứng khoán.

Ngoài 2 cơ sở sử dụng không đúng mục đích, còn 9 cơ sở đất đang triển khai dự án của VNPT (tại các quận, huyện 1, 7, 9, Bình Chánh, Cần Giờ, Hóc Môn) cũng đã được đề nghị thu hồi nếu sau 12 tháng kể từ ngày Bộ Tài chính có ý kiến phê duyệt phương án mà chưa triển khai được dự án.

VNPT hiện là đơn vị có số lượng cơ sở nhà đất khá lớn trên địa bàn TPHCM. Tổng số các đơn vị đang được giao đất và cho thuê đất nhà nước của tập đoàn tại TPHCM là 24 đơn vị với 604.300m² đất. Trong đó có 9 công ty liên kết là các công ty cổ phần có vốn góp của VNPT với 187.784m² đất.

Tại buổi giám sát, mặc dù lãnh đạo VNPT khẳng định, nhìn chung các công ty của VNPT trên địa bàn TP sau khi được cổ phần hóa đã sử dụng đúng mục đích, song ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM, cho rằng, ĐBQH TPHCM sẽ kiến nghị điều chỉnh giá đất cho thuê cận với giá thị trường. Đây là biện pháp tài chính cần thiết đối với các đơn vị chiếm giữ nhiều đất nhưng kinh doanh kém hiệu quả.

Được biết, thời gian qua do phải đợi điều chỉnh quy hoạch, không triển khai được các dự án đầu tư mới nên việc sử dụng đất chưa thật sự hiệu quả, một số lô đất còn để trống làm kho bãi hoặc công trình tạm như Công ty CP Tư vấn đầu tư XD Bưu điện (1.217m²); Công ty CP Viễn thông tin học điện tử Kasati (15.175m²); Công ty CP Vật tư Bưu điện Posmatco (14.083m²); Công ty CP Dịch vụ xây dựng công trình Bưu điện TPHCM (2.970m²).

Được biết, ngoài các cơ sở nhà đất hiện nay, VNPT còn được TPHCM giao tiếp quản khu đất C30 diện tích 40,95 ha (Đài Phát tín Phú Thọ cũ, nay thuộc P14 Q10 và P6 Q.Tân Bình) với chức năng làm văn phòng sản xuất kinh doanh, trường học, nhà ở cho cán bộ công nhân viên, đường giao thông phục vụ nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh.

Năm 2003, TPHCM đã phê duyệt quy hoạch sử dụng chi tiết đối với khu vực C30, tuy nhiên đến nay các thủ tục giao đất và triển khai dự án của VNPT vẫn chưa thực hiện được. Sự chậm trễ này gây lãng phí lớn khiến dư luận bức xúc. “Sau cuộc giám sát, Đoàn ĐBQH TPHCM sẽ báo cáo lại tình hình để các cấp và cơ quan chức năng sớm có hướng quản lý sử dụng hiệu quả khu đất vàng này” - ông Trần Du Lịch cho biết.

VNPT là đơn vị đầu tiên Đoàn ĐBQH TPHCM tổ chức đoàn giám sát tình hình quản lý và sử dụng đất của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trên địa bàn TPHCM từ năm 2006 đến nay.

Theo kế hoạch, sau VNPT, Đoàn giám sát sẽ làm việc với Tập đoàn Điện lực VN, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn, Tổng Công ty Dệt may Gia Định và Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM.

LÊ MINH

Tin cùng chuyên mục