Chưa đầy 1 tháng kể từ khi chung kết cuộc thi Miss Baby Vietnam 2020 tổ chức tại TP Huế dính nghi án tổ chức thi hoa hậu nhí “chui”, trao vương miện cho các em độ tuổi nhi đồng, thì đầu tháng 11, đã có thông tin về sự trở lại của Miss Baby Vietnam 2021.
Cục Nghệ thuật biểu diễn từng cho biết, việc tổ chức thi hoa hậu cho trẻ em là trái luật. Trong cuộc thi lần trước, Sở VH-TT Thừa Thiên - Huế không hề cấp phép thi hoa hậu cho cuộc thi Miss Baby Vietnam 2020 mà chỉ cấp phép đêm trình diễn thời trang. Tuy nhiên, cuộc thi đã diễn ra với sự tham gia của 22 thí sinh nhí đến từ 19 tỉnh, thành. Ban tổ chức trao nhiều danh hiệu như Miss Baby Vietnam 2020, Á hậu 1, Á hậu 2, Miss Baby Vietnam nhân ái, Miss Baby Vietnam tài năng, Miss Baby Vietnam thể thao…
Trong lần trở lại chóng vánh mới đây, ban tổ chức cuộc thi đã giới thiệu trở lại với phiên bản… chương trình truyền hình thực tế. Trong khi nhấn mạnh Miss Baby Vietnam không phải là cuộc thi nhan sắc nhưng format (khung chương trình) lại chẳng khác gì cuộc thi hoa hậu dành cho người lớn như thi trình diễn trang phục dân tộc, trang phục dạ hội, thi kiến thức và ứng xử, thi thể thao, thi năng khiếu, thi tìm hiểu văn hóa… Từ đầu tháng 11, cuộc thi đã nhận phiếu đăng ký tham dự của thí sinh nữ nhí từ 4-8 tuổi. Điều đáng nói, nhiều phụ huynh tỏ ra hào hứng với những chương trình cho trẻ dạng này. Hàng loạt bình luận của người lớn, phụ huynh xuất hiện, ra sức rủ rê nhau cho con đi thi, tán dương con người này con người kia... Dù biết hay không biết Miss Baby Vietnam từng dính nghi án tổ chức thi hoa hậu nhí “chui”, nhưng có lẽ chính các phụ huynh là người trực tiếp đưa con trẻ đến với các cuộc thi chưa phù hợp với lứa tuổi. Họ lo chuyện phấn son, sắm sửa áo quần vô bổ, đẩy trẻ vào vòng xoáy của tranh đua thi thố, ảo tưởng danh tiếng.
Không chỉ cuộc thi nhan sắc, mà các chương trình truyền hình thực tế thời gian qua đa phần cũng là bản sao chương trình dành cho người lớn. Rất dễ nhận thấy, các chương trình đều dùng các mỹ từ, dưới danh nghĩa tìm kiếm tài năng hát, diễn kịch, nhảy, múa... Cứ ngỡ bước vào các sân chơi sẽ thú vị nhưng thực tế không ít bé phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” tìm cách thể hiện tài năng, phô bày hết sức vẻ bề ngoài, uốn éo trình diễn đủ phong cách như người lớn, thậm chí chịu giả nam, giả nữ để… tranh đua thứ hạng. Đã có gameshow biến trẻ em thành chiêu tăng lượt xem để thu hút tài trợ, quảng cáo. Nhiều bạn nhí sau một số cuộc thi, mải mê làm gương mặt đại sứ cho các nhãn hàng, chạy show kiếm tiền đã ảnh hưởng ít nhiều đến việc học.
Tại phiên thảo luận của kỳ họp Quốc hội (giữa năm 2020) về báo cáo kết quả giám sát thực hiện chính sách pháp luật phòng chống xâm hại trẻ em, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đã từng nêu ra tình trạng xâm hại trẻ qua những hình thức vỏ bọc văn hóa. Ông đề cập đến loạt chương trình thực tế trên truyền hình và nhận định các kịch bản gameshow đều hướng đến sự cạnh tranh khốc liệt với những chiêu trò nhằm thu hút người xem. Ở đó, trẻ em không khác gì con rối.
Từ nhiều vụ việc, có thể thấy cơ quan chức năng còn lỏng lẻo trong việc cấp phép và giám sát các cuộc thi, chương trình cho trẻ em. Cần phải có quy định, có sự kiểm soát rõ ràng, cụ thể chứ không thể buông lỏng, bỏ ngỏ. Các cuộc thi, chương trình truyền hình thực tế trong nước có trẻ em tham gia cần có sự giám sát độc lập để bảo vệ quyền trẻ em. Phải ngăn chặn các sự việc tương tự, đừng để khi bị dư luận lên án mới báo cáo theo quy trình, xem xét, xử phạt và sau đó… lãng quên.
Trẻ em vốn hồn nhiên, không thể ý thức được những tác động, ảnh hưởng sâu xa của các cuộc thi, gameshow. Cho nên, trước khi nói đến trách nhiệm xã hội, chính các bậc phụ huynh phải ý thức, nhìn nhận lại và biết cách giữ con trong môi trường an lành. Nếu như cha mẹ nào cũng muốn con mình nổi tiếng thì quá sức nguy hiểm, sớm muộn gì cũng đưa con vào những cuộc ganh đua dưới vỏ bọc tài năng, văn hóa. Điều này sẽ ít nhiều tác động tiêu cực đến việc hình thành tính cách của trẻ sau này.