Để từ thiện đến đúng người, đúng chỗ

Dịch Covid-19 tác động đến mọi mặt đời sống, hàng triệu người dân ở TPHCM đang bị ảnh hưởng nặng nề. Cả hệ thống chính trị từ Trung ương, thành phố đến cơ sở đã và đang nỗ lực chăm lo cho người dân. Cùng với đó là sự giúp sức của nhiều cá nhân, tổ chức thiện nguyện, với tinh thần không bỏ ai lại phía sau. Tuy nhiên gần đây, một số cá nhân vì lòng tham nhất thời đã đăng tải thông tin không đúng sự thật lên mạng xã hội (MXH) để trục lợi. Có trường hợp, nhà chất đầy nhu yếu phẩm nhưng vẫn lên mạng kêu than, cầu cứu.
Một căn phòng trọ nhận được rất nhiều nhu yếu phẩm. Ảnh: VĂN MINH
Một căn phòng trọ nhận được rất nhiều nhu yếu phẩm. Ảnh: VĂN MINH

Lợi dụng hỗ trợ

Trong quá trình thăm hỏi, động viên những người thuê trọ yên tâm ở lại TPHCM, đoàn công tác một phường ở TP Thủ Đức (TPHCM) nhận thấy trong phòng trọ của những người này chất nhiều gạo, mì gói, trứng, nước mắm… là nhu yếu phẩm được hỗ trợ. Hay trên MXH mấy ngày nay cũng lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh một gia đình ở TPHCM tương đối khá giả nhưng vẫn lên MXH than nghèo khổ để trông chờ sự hỗ trợ từ mạnh thường quân.

Với kinh nghiệm làm từ thiện nhiều năm, anh Nguyễn Đức Thiện, chủ nhiệm Đội Công tác xã hội quận Bình Tân cho biết, thời gian này, ngoài hỗ trợ F0 cách ly tại nhà, nhóm còn hỗ trợ trường hợp khó khăn cần giúp đỡ thông qua các trang MXH. Với trường hợp khó khăn đơn lẻ gọi đến, nhóm sẽ tự xác minh và trao quà hỗ trợ. Trường hợp các khu trọ hoặc nơi có đông bà con khó khăn cần giúp đỡ, nhóm sẽ phối hợp với Quận đoàn Bình Tân xác minh, để có hướng hỗ trợ phù hợp nhất.

Theo anh Thiện, trong quá trình đi tặng quà cho người dân, anh gặp không ít trường hợp đã nhận rất nhiều quà nhưng vẫn lên MXH cầu cứu. “Có lần tôi nhận được thông tin về 2 chị em ở trọ đói khát nhiều ngày, nhóm lập tức tìm đến. Khi đến nơi thì mọi người mới té ngửa vì trong phòng trọ có rất nhiều gạo, mì gói, rau củ quả. Từ đó, chúng tôi thận trọng hơn với các thông tin tiếp nhận qua MXH. Chúng tôi chấp nhận chậm lại nửa nhịp, xác minh thông tin để quà của mạnh thường quân gửi gắm đến đúng người, đúng chỗ”, anh Thiện chia sẻ.

Anh Vương Hữu Dũng, một mạnh thường quân quen thuộc ở TPHCM cũng khẳng định, chuyện bị hớ khi đi trao quà hỗ trợ từ thông tin trên MXH là không hiếm. Theo anh Dũng, truyền thống người Việt là lá lành đùm lá rách, nên có thông tin ai khổ, đói là mọi người dồn vào hỗ trợ. Không ít người đổi đời từ những mẩu thông tin như vậy nên có một số người muốn lợi dụng để trục lợi.

Từ thực tế đã gặp phải, sau này anh Dũng chủ trương mọi hoạt động hỗ trợ của anh đều gắn với địa phương. “Nếu chúng ta quá nóng vội giúp người khác sẽ tạo điều kiện để người tham lam, ích kỷ có cơ hội trục lợi. Như vậy vừa làm mất đi ý nghĩa của việc thiện nguyện, vừa mất đi cơ hội giúp đỡ những người đang thực sự cần”, anh Dũng chia sẻ.

Ở góc độ một người lớn tuổi, nhiều năm gắn bó với công tác ở khu phố, ông Trần Quang Tuấn (Bí thư Chi bộ KP 6, phường Bến Nghé, quận 1) bày tỏ cảm thông với người dân, nhất là trong giai đoạn khó khăn này. “Dịch bệnh xảy ra, kéo theo muôn vàn khó khăn, mọi thứ đều quá mới mẻ và chưa có tiền lệ. Khó khăn với người dân là có thật, cũng có người vì lo lắng, sợ sệt mà sinh ra tính ích kỷ, tham lam. Dẫu vậy, con số này không nhiều. Nếu từng người làm từ thiện đến địa phương làm hết trách nhiệm của mình, tương tác và chia sẻ được với nhau, tôi tin sẽ hạn chế được những tình trạng giả nghèo khổ để trục lợi”, ông Tuấn bày tỏ.

Nhận diện để quản lý

Tại Hội nghị Thành ủy TPHCM mở rộng ngày 30-8, nhiều đại biểu cũng đã trăn trở với câu chuyện quà hỗ trợ, quà từ thiện đôi khi chưa đến đúng người cần. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu cho biết, thực tế có nơi địa phương không quản lý được dẫn đến câu chuyện có hộ nhận rất nhiều nhu yếu phẩm nhưng vẫn cầu cứu khắp nơi, trong khi có hộ chưa được hỗ trợ kịp thời. Đồng chí Tô Thị Bích Châu đề xuất cần có nhận diện, có thông tin những trường hợp đã nhận nhiều lần hỗ trợ để quản lý. Song song đó, các quận huyện hỗ trợ túi an sinh cần lập danh sách quản lý, giám sát nhằm chăm lo tốt hơn cho người dân, tránh tình trạng chăm lo người thì nhiều, người ít hoặc chưa có.

Về phía địa phương, để hạn chế tình trạng hộ nhận nhiều quà, hộ không nhận được quà do địa phương và mạnh thường quân hỗ trợ, tại các dãy trọ phường Phú Hữu, TP Thủ Đức triển khai dán phiếu theo dõi việc phát nhu yếu phẩm. Cụ thể, khi địa phương hoặc mạnh thường quân tặng quà hộ thuê trọ sẽ tích vào phiếu này, ghi rõ ngày, giờ đến tặng. Qua đó, địa phương theo dõi sát sao việc chăm lo cho người dân, căn chỉnh thời gian phát nhu yếu phẩm để người dân sử dụng; đồng thời đây cũng là cách để người dân giám sát công tác chăm lo của địa phương.

Đối với khu dân cư, toàn bộ quà tặng của địa phương hoặc mạnh thường quân đều chuyển qua tổ dân phố. Lực lượng đi phát quà đến gia đình nào sẽ đánh dấu, ghi ngày, giờ cụ thể để tránh sót lọt người cần được chăm lo. Cùng với đó, phường Phú Hữu phát động phong trào “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ chăm lo” để vận động mạnh thường quân, gia đình khá giả chăm lo, hỗ trợ gia đình khó khăn trong tổ dân phố nơi mình sinh sống. Qua đó công tác chăm lo cho người được sâu sát hơn.

Theo ông Nguyễn Dũng Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận 7, quận thực hiện minh bạch công tác chăm lo, hỗ trợ trên các trang thông tin chính thống của quận và phường để từ đó các nhà hảo tâm, mạnh thường quân yên tâm kết hợp với địa phương chăm lo những hoàn cảnh khó khăn. Trong thời gian này, việc chăm lo an sinh xã hội được cả hệ thống chính trị quận vào cuộc, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người dân. Hiện quận đã được tăng cường lực lượng quân đội về hỗ trợ địa phương trong vận chuyển nhu yếu phẩm, tặng quà, đi chợ giúp… Lực lượng này cùng với lực lượng địa phương sẽ sâu sát hơn trong việc tặng quà, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân; bảo đảm quà tặng sẽ đi vào các hẻm nhỏ nhất, đến với những gia đình ở xa nhất.

Tuy nhiên, để căn cơ hơn, hiện nay trên địa bàn quận 7 đã thành lập các tổ tự quản về an sinh xã hội. Khoảng 30-50 hộ gia đình hoặc 1 tầng chung cư lập thành 1 tổ tự quản, có 3-5 tình nguyện viên nòng cốt. Tổ này có nhiệm vụ nắm thực trạng của từng hộ gia đình; vận động nguồn lực để chăm lo hoặc đề xuất hỗ trợ; đồng thời thống kê, hỗ trợ chi trả chế độ chính sách đến người dân. Bước đầu, các tổ hoạt động khá hiệu quả, là cánh tay đắc lực của địa phương trong việc rà soát, chăm lo cho người dân.

TS Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính quốc gia, Phân viện TPHCM: Bớt tham lam không đáng, điều tốt đẹp sẽ đến

Để từ thiện đến đúng người, đúng chỗ ảnh 1

Dịch bệnh đã mang đến rất nhiều khó khăn. Người có tích lũy thì còn gắng gượng được, người không có tích lũy thì khó khăn vô vàn. Bởi vậy mà sự đùm bọc, giúp đỡ nhau trong lúc này càng đáng trân trọng và cần lan tỏa. Dù vậy, ở hoàn cảnh nào cũng cần sự tự giác, tự trọng, nhất là trong việc thiện nguyện. Khi người ta trao yêu thương thì mong muốn nhận lại cũng là sự chân thành, không nên lợi dụng tình thương của người khác để trục lợi.

Tôi cũng đã từng nhiều lần chứng kiến người dân mình từ chối nhận quà hỗ trợ vì muốn nhường cho người khó khăn hơn, trên mặt báo cũng không thiếu những câu chuyện cảm động về “lá rách ít đùm lá rách nhiều”… và hầu hết đều có kết quả tốt đẹp. Nên chăng, mỗi người bớt đi sự ích kỷ, bớt chút tham lam không đáng thì tôi tin những điều tốt đẹp chắc chắn sẽ đến.


Ông Trần Quang Tuấn, Bí thư KP 6, phường Bến Thành, quận 1: Cần linh động 
trong chăm lo

Để từ thiện đến đúng người, đúng chỗ ảnh 2

Vấn đề an sinh xã hội là vấn đề lớn, gắn trực tiếp với cuộc sống của nhiều người dân. Vì vậy việc chăm lo cho người dân, nhất là người khó khăn cần phải minh bạch, khéo léo và linh động. Trước hết, địa phương cần công khai tất cả các hộ gia đình thuộc diện được chăm lo (từ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ không quá khó khăn nhưng cần được hỗ trợ…), khi có các nguồn hỗ trợ thì công khai ngày nào sẽ phát ở khu vực nào, từ đó người dân sẽ yên tâm vào việc chăm lo của địa phương. Tương tự, các tổ chức từ thiện xác minh kỹ càng hoặc kết hợp với địa phương để quà tặng đến được đúng địa chỉ người cần.

Bên cạnh đó, địa phương cũng phải linh hoạt trong việc chăm lo cho người dân. Có những gia đình đông người, có gia đình ít người, vì vậy việc chăm lo không nên quá cào bằng mà cần có sự linh hoạt để người dân không thiệt thòi.

Tin cùng chuyên mục