TPHCM đang có nhiều động thái quyết liệt nhằm giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Người dân TPHCM đã gửi đến Báo SGGP nhiều ý kiến phân tích, góp ý về việc ngăn chặn xe máy chạy trên vỉa hè.
Làm sao cho hợp lý và đúng luật
TPHCM có nhiều vỉa hè đã được lắp barie từ lâu, như xung quanh vỉa hè của Công viên Gia Định, Công viên 30-4, Công viên 23-9, vỉa hè đường Hoàng Sa, Trường Sa (dọc hai bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè). Việc này cũng phần nào phát huy hiệu quả. Vì vậy, theo tôi, việc lắp barie chắn xe máy chạy lên vỉa hè cũng là cần thiết, nhưng phải làm sao cho hợp lý và đúng luật, không gây khó khăn, nguy hiểm cho người đi bộ - đặc biệt là người khuyết tật, khiếm thị - và đạt được yếu tố mỹ quan đô thị.
Quan sát tại những trung tâm thương mại, siêu thị, bệnh viện thường có các thanh trụ inox cao chừng 1m được trồng ở các lối ra vào rất hợp lý. Thay vì làm barie chắn ngang chân như gài bẫy người đi bộ, nên dựng những thanh trụ đứng như vậy sẽ hợp lý hơn, cần lưu ý phải chừa lối thuận tiện cho người đi xe lăn. Tuy nhiên, các phương án lắp barie hay rào chắn vỉa hè cũng chỉ là giải pháp tình thế, chỉ có hiệu quả tương đối, không thể phù hợp với tất cả các đối tượng mà vẫn đảm bảo đúng với quy định của pháp luật được. Điều quan trọng nhất vẫn là phạt nghiêm hành vi chạy xe máy lên vỉa hè nhằm cải thiện ý thức của người dân.
PHƯƠNG UYÊN (quận 2, TPHCM)
Ngăn việc lấn làn đường dành cho xe máy
Việc chạy xe máy trên vỉa hè là một hình ảnh không đẹp và vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhưng vì sao nhiều người vẫn chạy như vậy? Đường Nguyễn Du một chiều, muốn vượt qua giao lộ Pasteur rồi Nam Kỳ Khởi Nghĩa, người đi xe máy vô cùng vất vả. Bởi lẽ, 1/3 lòng đường bên phải, lẽ ra là làn đường dành cho xe 2 bánh, nay đã bị ô tô đậu chật kín, dù đã có biển cấm đậu. Cảnh sát giao thông không phạt, ô tô đậu ròng rã từ sáng đến chiều, xe máy muốn vượt lên thì không còn cách nào khác là phải chạy lên vỉa hè. Ngay như đường Pasteur (hướng từ giao lộ Lê Lợi - Pasteur xuôi về Lý Tự Trọng), giờ đây xe buýt chạy lấn hẳn sang làn đường của xe 2 bánh, nhiều người phải chạy lên vỉa hè phía khách sạn Bến Thành để “an toàn tính mạng”.
Không chỉ tại 2 tuyến đường trên, mà nhiều tuyến đường ở các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận…, ô tô đậu chiếm lòng đường hay xe buýt chạy lấn làn đường của xe máy đang là một thực tế đáng lo ngại. Do vậy, nên người đi xe máy bất đắc dĩ phải chạy lên vỉa hè. Để công bằng, ngoài việc phạt người đi xe máy chạy lên vỉa hè, cũng phải phạt ô tô đậu bừa bãi, xe buýt chạy lấn làn đường… để trả lại làn đường cho xe máy. Còn việc lắp đặt barie trên vỉa hè chỉ nên làm ở mức thí điểm, thăm dò, không nên làm tràn lan, hiệu quả chưa đo lường được, lại tốn kém ngân sách.
NGUYỄN NAM (quận Bình Thạnh, TPHCM)
Ngưng việc biến lòng đường thành bãi ô tô thu phí
Tình hình giao thông trên tuyến đường Lê Thánh Tôn đoạn qua Trung tâm thương mại Vincom thời điểm nào trong ngày cũng phức tạp. Tuyến đường khá rộng, có 2 làn ô tô, 1 làn xe máy. Nhưng tại khu vực đó, làn đường xe máy đã bị dãy dài ô tô, taxi dừng đậu, lấn chiếm. Khi nhận khách thì ô tô lưu thông luôn trong làn xe máy. Đó là chưa tính taxi, ô tô từ trong trung tâm thương mại chạy ra. Lúc này, tuyến đường một chiều thành 4 làn ô tô. Quá tải như vậy nên người đi xe máy bị kẹt cứng.
Tuyến đường Trần Nhật Duật - một trong những tuyến đường được đậu xe thu phí ở quận 1 - với hai dãy ô tô lấn chiếm hết phần đường dành cho xe máy lưu thông. Ảnh: ĐOÀN HIỆP
Là dân TP, công ăn việc làm, sinh hoạt đều gắn chặt với phương tiện xe máy, tôi không khỏi bức xúc khi lưu thông trên những tuyến đường có nhiều ô tô, taxi, xe tải… dừng đậu, đợi khách, xuống hàng, khiến phần đường lưu thông của xe máy bị lấn chiếm hết. Muốn di chuyển được, chỉ còn cách bất chấp nguy hiểm băng ra làn đường ô tô hay phóng xe chạy trên vỉa hè. Chúng tôi còn bức xúc hơn vì quá nhiều tuyến đường được cho đậu ô tô để thu phí. Ở trung tâm TP, các quận 1, 3, 5… có hơn 30 tuyến đường được cấp phép như vậy. Thực trạng ùn tắc giao thông tại các tuyến đường này rất nghiêm trọng do phần đường lưu thông bị thu hẹp. Do vậy, nên ngưng việc biến lòng đường thành bãi đậu ô tô.
HOÀNG PHƯƠNG (quận 3, TPHCM)
Có giải pháp giao thông căn cơ
Chống kẹt xe là vấn đề nan giải đối với TPHCM từ nhiều năm nay. Nguyên nhân của tình trạng kẹt xe ngày càng trầm trọng hiện nay là do việc phát triển giao thông TP có phần thụ động, chỉ mang tính giải quyết tình thế.
Trong khi chưa có biện pháp hạn chế xe máy, số lượng xe buýt, taxi và xe hơi riêng tăng chóng mặt đã làm cho đường phố vốn đã chật càng chật hơn, đã kẹt càng kẹt hơn. Ngành giao thông lại đưa ra nhiều giải pháp tận dụng làn đường của xe máy như cho phép xe buýt chạy vào làn xe máy; kẻ vạch trên đường xe máy làm bãi đậu ô tô thu phí. Nhiều nơi còn rào vỉa hè để làm bãi giữ xe máy, khiến người đi bộ phải tràn xuống lòng đường và người đi xe máy không còn chỗ chạy. Những biện pháp đó dẫn đến xung đột lợi ích, gây phương hại, mất an toàn giao thông cho cả người điều khiển phương tiện và người đi bộ.
Các phương án chống kẹt xe phải thực hiện một cách căn cơ lâu dài chứ không thể chỉ làm giải quyết tình thế. Quá trình thực hiện thay thế phương tiện cá nhân bằng phương tiện công cộng phải đồng bộ, theo lộ trình hợp lý.
TRẦN VĂN CHÍNH (quận Thủ Đức, TPHCM)