Nếu lại thắng trên sân khách cuối tuần này, Hà Nội T&T gần như nắm trong tay danh hiệu vô địch V- League, khép lại một mùa giải không thể đáng nhớ hơn trong lịch sử hình thành của đội bóng khá non trẻ này. Càng ý nghĩa và ngọt ngào hơn đối với thầy trò HLV Phan Thanh Hùng nếu lên ngôi trong năm nay khi cả nước cùng hướng về thủ đô đón chào sự kiện lịch sử 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Sở dĩ nói rằng Hà Nội T&T gần như chắc chắn sẽ lên ngôi bởi vì có rất nhiều đội bóng rất mạnh khác nỗ lực… chậm lại, tự loại mình khỏi cuộc đua vốn đang bước vào giai đoạn căng thẳng nhất. SHB Đà Nẵng đang giữ cúp vô địch, Becamex Bình Dương có lực lượng thuộc diện hiếm, Cao su Đồng Tháp là “cơn lũ” không thể ngăn chặn, Khatoco Khánh Hòa “ngổ ngáo” bậc nhất… Thế nhưng, giống như một sự sắp đặt sẵn, họ bất ngờ cùng rút tên khỏi danh sách ứng cử, nhường cuộc đua lại cho một đại diện duy nhất là Hà Nội T&T. Hoặc có chăng, tất cả cũng chỉ góp vui, tạo thêm màu sắc bằng những trận thắng cho xôm tụ, để rồi lắc đầu không chịu tiến vào cuộc tranh chấp thực sự khi chỉ cách đích đến vài vòng đấu.
Vậy nên, nếu mạnh dạn mổ xẻ ra, V-League 2010 có khối chuyện để bàn, để suy ngẫm. Mà toàn chuyện đi ngược lại với tiên liệu của người hâm mộ. Nói chung, chọn ra đội vô địch năm nay thì gần như ai cũng nói chắc được, còn chọn ra vài đối thủ “chịu” đeo bám Hà Nội T&T thì giỏi dự đoán bóng đá cỡ như chú bạch tuộc Paul bên nước Đức cũng đành… chào thua! Thế cờ V-League 2010 được bày ra tưởng chừng dễ phá nhưng rốt cuộc lại trở thành “mê hồn trận”, mở mọi cánh cửa ra đều nhìn thấy chữ “Tử”.
Chuyện nhường nhau điểm, nhường nhau lấy giải từ lâu đã trở thành phổ biến ở làng bóng đá Việt Nam. Có điều khi xưa, những cú bắt tay dễ bị phát hiện và vạch trần trước dư luận, nhưng giờ thì khác rồi, kín kẽ và chẳng có dấu vết. Dư luận có quyền nghi ngờ và phán xét theo hướng tiêu cực về bất kỳ trận đấu nào bị xếp vào diện “có mùi”, có quyền quy kết rằng vị trọng tài cầm cân nảy mực nào đó cố tình thiên vị cho một đội bóng, nhưng cuối cùng thì tất cả cũng chỉ trôi vào im lặng khi đội bóng, trọng tài và cả cơ quan quyền lực như VFF đều hỏi ngược lại một câu “bằng chứng đâu?”.
Chính vì quá khó, giới truyền thông và người hâm mộ chỉ còn biết trông đợi vào một vị Bao Công nào đó xuất hiện, dõi ánh mắt liêm trực và nghiêm khắc vào cuộc chơi để hạn chế đến mức tối đa những rắc rối sẵn sàng nảy sinh. Đặc biệt ở thời điểm cuối của V-League đầy nhạy cảm, càng cần có một vị Bao Công như thế. Không chỉ vì dấu hiệu của những vụ nhường điểm, cứu nhau giữa các đội bóng, mà còn vì sai sót bất thường đến từ đội ngũ trọng tài điều hành các trận đấu liên tiếp xảy ra. Hơn nữa, ngay cả khi VFF và các cơ quan chức năng cùng vào cuộc và phạt nặng, tình trạng gây rối, đốt pháo sáng trên các khán đài vẫn không hề thuyên giảm.
Còn khối vấn đề nhức nhối mà càng về thời điểm hạ màn của mỗi mùa bóng càng khiến giới chức VFF đau đầu. VFF biết thừa nhưng không thể tìm ra cách giải quyết triệt để, không thể ngăn chặn đến mức tối đa những tiềm ẩn sẵn sàng bùng phát bất cứ thời điểm nào. Thành ra, nếu VFF có một hay nhiều vị Bao Công thì cũng khó mà kiểm soát được chính cuộc chơi này.
LÊ QUANG