Vỉa hè dành cho người đi bộ. Điều này có lẽ… ai cũng biết. Thế nhưng, thời gian gần đây, vỉa hè đã không còn dành riêng cho người đi bộ và đã có không ít người đi bộ trên vỉa hè bị… xe gắn máy đâm.
Tai họa… “từ trên trời rơi xuống”
“Không ai có thể ngờ nổi, nó như từ trên trời rơi xuống, kể cho bạn bè nghe mình bị xe máy đâm phải khi đang đứng trên vỉa hè, ai cũng cười…”, chị Nguyễn Thị TH., công tác tại một công ty truyền thông có trụ sở đóng tại quận 3, TPHCM đã chia sẻ như vậy về tai nạn của mình sau gần 3 tuần phải nghỉ làm để chữa trị những chấn thương do tai nạn này gây ra. Cách đây gần một tháng, khi đang trò chuyện với bạn trên vỉa hè đường Lương Định Của, quận 2, TPHCM, bất ngờ chị Nguyễn Thị TH. bị một chiếc xe gắn máy 2 bánh va chạm với một xe gắn máy 2 bánh khác đang lưu thông trên đường, mất trớn phóng lên vỉa hè… đâm phải. Bị xe gắn máy đâm phải, chị Nguyễn Thị TH. ngã sấp xuống, bị cả chiếc xe đè lên vai và lưng. Cú va chạm đã làm lưng và đặc biệt là vai của chị Nguyễn Thị TH. rất đau nhức. Sau đó, chị Nguyễn Thị TH. đã phải đi bệnh viện xoa bóp, đắp thuốc gần 3 tuần lễ mới dịu cơn đau.
Người đi bộ đi trên vỉa hè mới lót gạch tại TPHCM. Ảnh: PHẠM CAO MINH
Tai nạn của một người quen đã xảy ra cách nay gần 3 năm nhưng chị Văn Thị MH., cán bộ một cơ quan truyền thông ở quận Tân Bình vẫn không thể nào quên. Người quen của chị Văn Thị MH. cùng 3 người bạn đang đi bộ trên vỉa hè của một con đường thuộc quận Bình Thạnh đã bị một chiếc xe gắn máy 2 bánh mất lái từ dưới đường lao lên, đâm thẳng vào người. Người đi bộ xấu số này gần như đã chết ngay lập tức khi bị chiếc xe húc vào người và ngã đập đầu xuống đất. “Chuyện xảy ra lâu rồi nhưng mỗi khi nhắc lại vẫn thấy ngậm ngùi bởi người mất là một trong những chuyên gia giỏi của ngành dệt may và cũng bởi tai nạn quá vô lý”, chị Văn Thị MH. tâm sự. Thế nhưng, chưa hết, cách nay chừng nửa tháng, khi đang đi bộ về nhà trên đường Trương Định, quận 3 đoạn gần nút giao thông Trương Định - Tú Xương, chị Văn Thị MH. đã chứng kiến một người cùng đi bộ trên vỉa hè với chị bị 2 thanh niên cùng đi trên một chiếc xe gắn máy 2 bánh từ mặt đường phóng lên vỉa hè giật mất giỏ xách. Theo chị Văn Thị MH, 2 tên cướp này tính toán khá kỹ, chúng chọn gần giao lộ Trương Định - Tú Xương để sau khi cướp xong, rẽ ngay vào đường Tú Xương - vốn vắng người để tẩu thoát. Vụ cướp xảy ra quá nhanh không những làm cho người bị mất giỏ xách mà cả những người cùng đi bộ trên vỉa hè đều không kịp trở tay.
Bất cập vỉa hè?
Thủ phạm gây ra các vụ tai nạn cũng như vụ cướp nêu trên là tên cướp và những người điều khiển phương tiện giao thông đã đâm vào người đi bộ trên vỉa hè. Thế nhưng, có một sự khá tương đồng ở các khu vực đã xảy ra tai nạn, đó là hầu hết vỉa đều có bó vỉa vát xuôi từ trên vỉa hè xuống mặt đường. Theo nhiều chuyên gia về giao thông, bó vỉa như vậy hoàn toàn không có tác dụng ngăn hoặc ít ra làm hạn chế tốc độ của xe gắn máy 2 bánh trong trường hợp các phương tiện ấy mất thắng hoặc cố tình phóng từ mặt đường lên vỉa hè.
Ông Vũ Kiến Thiết, Giám đốc Khu Quản lý Giao thông số 2 thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM - cách đây hơn 10 năm từng làm giám đốc một ban quản lý dự án trực tiếp thực hiện cải tạo, xây mới nhiều vỉa hè ở TPHCM, cho biết, theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, bó vỉa phải “vuông thành, sát cạnh” kiểu như một số bó vỉa bằng đá được xây dựng từ thời Pháp trên một số tuyến đường ở TPHCM. Với hình dáng này, bó vỉa hè sẽ có tác dụng hạn chế xe lưu thông trên đường lao lên vỉa hè, gây tai nạn cho người đi bộ. Tuy nhiên, để thuận tiện cho người dân thành phố - vốn lưu thông chủ yếu bằng xe gắn máy 2 bánh lên xuống vỉa hè (để ra vào nhà ở sát vỉa hè), TPHCM đã quyết định làm bó vỉa vát xuôi xuống đường. Quyết định này không trái với quy định nêu trên của Bộ Giao thông Vận tải vì Bộ Giao thông Vận tải chỉ đưa ra những khuyến cáo, chọn vỉa hè như thế nào, theo luật, thuộc về chính quyền các địa phương.
Cũng theo ông Vũ Kiến Thiết, cách nay hơn 10 năm, khi TPHCM quyết định cải tạo nhiều vỉa hè, đã xảy ra một cuộc tranh luận rất sôi nổi và thậm chí có phần căng thẳng, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng xung quanh việc nên để làm bó vỉa “vuông thành, sắc cạnh” hay vát? Và TPHCM đã quyết định làm bó vỉa vát như chúng ta đang thấy hiện nay.
Quyết định này có hợp lý hay không hay ít ra cho đến nay có hợp lý hay không? Câu trả lời thuộc trách nhiệm của các sở ngành chức năng. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ nêu ra hiện tượng rất đáng lo ngại nêu trên.
NGUYỄN KHOA
|