Di sản gồng mình gánh ai?

Hãy để di sản kể chuyện lịch sử, phát huy giá trị từ mạch nguồn văn hóa như cách mà nó được hình thành. Đừng buộc di sản phải gồng mình gánh nhiều thứ khác;

Nhân dân làng An Hải xưa và người dân huyện Côn Đảo ngày nay tổ chức Lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến. Ảnh: TTXVN
Nhân dân làng An Hải xưa và người dân huyện Côn Đảo ngày nay tổ chức Lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến. Ảnh: TTXVN

Bộ VH-TT-DL vừa công bố quyết định đưa “Lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trước tiên, đây là điều đáng mừng, khi một di sản được công nhận sẽ góp phần giữ gìn lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc. Ở chiều ngược lại, là cuộc tranh luận chưa có hồi kết của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, về tính xác tín của lịch sử xung quanh câu chuyện về bà thứ phi.

Vấn đề đặt ra là mỗi địa phương có bản sắc văn hóa và lịch sử hình thành khác nhau, tuy nhiên có nhất thiết mỗi nơi đều phải có di sản cấp quốc gia? Một số nơi, di sản được công nhận, giá trị nhất có lẽ là tấm bằng từ bộ, còn chuyện giữ gìn và phát huy di sản đó gần như không thấy. Thậm chí cư dân ở một số địa phương chẳng mảy may quan tâm, hoặc có biết cũng không rõ di sản đó được công nhận vì điều gì, giá trị ở chỗ nào? Dễ thấy nhất là các đình làng, có một số ngôi đình xếp loại Di sản kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, nhưng hoạt động cũng chỉ “xuân thu nhị kỳ”. Hay những giờ học ngoại khóa cho học sinh tìm hiểu lịch sử địa phương, cũng nặng hình thức, phần nhiều như “cưỡi ngựa xem hoa”, kiến thức lịch sử đọng lại chỉ gói gọn trong bài viết thu hoạch vài trăm chữ, nộp thầy cô là xong.

Thực tế, nhiều công trình tại TPHCM có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật, tuổi đời trăm năm có hơn, nhưng đơn vị, cá nhân quản lý vẫn không quan tâm đến chuyện làm hồ sơ công nhận di sản. Bởi muốn trùng tu một di sản đã được công nhận, bắt buộc phải có đội ngũ chuyên gia và gian nan nhất là thủ tục trùng tu rất rườm rà, đôi khi được phép thì công trình đã xuống cấp từ lâu.

Di sản gắn liền với lịch sử, nhưng nếu chỉ đơn thuần kể chuyện lịch sử thì số liệu từ sách vở, tài liệu từ những nhà sử học sẽ làm tốt hơn. Giá trị của di sản chính là bài học về lịch sử cụ thể và muốn phát huy giá trị di sản trước hết di sản phải gắn bó với đời sống, sinh hoạt của cộng đồng cư dân địa phương, để từ đó hình thành nên bản sắc riêng biệt cho mỗi nơi. Và dùng di sản bản địa kết hợp khai thác du lịch, chính là cách dùng văn hóa mở đường cho kinh tế mà nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng. Du lịch địa phương đôi khi không có quá nhiều thắng cảnh, nhưng vẫn thu hút du khách bởi các di sản văn hóa, lễ hội độc đáo hoặc một làng nghề thủ công hình thành từ trăm năm hơn.

Một quốc gia có cần thiết phải có thật nhiều di sản hay không? Điều này phụ thuộc vào bề dày lịch sử và văn hóa, nhưng chắc chắn cần di sản để kể những câu chuyện lịch sử một cách chân thực, cụ thể nhất. Bao thế hệ đã qua và vạn lớp người kế tiếp, nền văn hóa này nuôi dưỡng tinh thần và lịch sử này là cội nguồn dân tộc từ buổi sơ khai… Chính từ đây, người ta mới có thể xây dựng và tự hào bản sắc Việt, là nếp nhà để bước ra bên ngoài thế giới mời bạn bè năm châu đến thăm.

Những ngày qua, giới nghiên cứu, các học giả lẫn dư luận quan tâm nhiều đến câu chuyện lịch sử có thể trở thành môn học tự chọn. Vấn đề cần nhìn nhận, chính là cách chúng ta truyền dạy và nội dung sách giáo khoa môn lịch sử làm thế nào để thu hút học sinh? Câu hỏi đặt ra: Sao không dùng di sản làm gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, để nhắc nhở lịch sử một cách gần gũi, hiện hữu nhất… và cùng phát huy các giá trị văn hóa trong tương lai. Những giờ học lịch sử như thế chẳng thú vị hơn chuyện ngồi nghe - chép.

Hãy để di sản kể chuyện lịch sử, phát huy giá trị từ mạch nguồn văn hóa như cách mà nó được hình thành. Đừng buộc di sản phải gồng mình gánh nhiều thứ khác; di sản nhiều hay ít, không phải là vấn đề, điều quan trọng là cách chúng ta giữ gìn các giá trị quanh nó, làm điểm tựa để phát huy các giá trị tinh thần, bản sắc văn hóa một cách hữu hiệu.

Tin cùng chuyên mục