Tổng cộng 50 người ứng cử ĐBQH, 169 người ứng cử ĐB HĐND TPHCM, 12 người ứng cử tại các tỉnh thành khác có nơi cư trú tại TPHCM, cùng nhiều người ứng cử HĐND các cấp tại TPHCM, đã được cử tri cho ý kiến và biểu quyết tín nhiệm. Nếu không đủ 50% tín nhiệm của cử tri nơi cư trú, người ứng cử không thể tiếp tục các hoạt động “chạy đua” vào các cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của Trung ương và địa phương.
Trước đó, theo quy trình, các cơ quan, đơn vị nơi người ứng cử công tác cũng đã tổ chức hội nghị cử tri để chọn người đại diện ra ứng cử. Việc tổ chức hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú là một bước quan trọng trong quy trình dân chủ để cử tri “chọn mặt gửi vàng” cho người xứng đáng.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng, ĐBQH khóa VII, VIII, IX, Phó Chủ tịch Quốc hội khóa IX, từng chia sẻ, để biết rõ năng lực, cái tâm của người ứng cử, hãy đi hỏi những người cùng làm việc, hàng xóm của người đó. Vì một ngày, hai ngày, người đó có thể diễn, có thể dấu khuyết điểm bản thân, nhưng để che đậy tháng này qua năm nọ là rất khó. Cho nên mới nói, những người ở cạnh sẽ là những người am tường nhất.
Và không ai khác hơn, chính cử tri quyết định chọn người đại diện cho mình. Nên trước khi cầm lá phiếu ghi tên người mình tin cậy, qua nhiều hoạt động trước bầu cử, cử tri cần tìm hiểu các ứng cử viên đó là người như thế nào.
Cử tri bỏ phiếu bầu một người nào đó không đơn thuần chỉ dựa vào chuyên môn. Người có năng lực, nói được làm được thì không khó để nhận diện được, nhất là trong bối cảnh hiện nay - việc đánh giá năng lực dần dựa trên kết quả công việc. Song chỉ có tài thôi mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ còn đòi hỏi phải có đức!
Một người vì nước, vì dân thì bất kể ở cương vị nào, đều tận tâm cho lợi ích chung. Nhưng nếu đấy lại là một người đam mê quyền lực, mong muốn có được một vị trí trong cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương hay Trung ương, thì rõ ràng họ có động cơ để được vinh thân phì gia. Cử tri không mong muốn, gửi gắm và lựa chọn những người có biểu hiện tư lợi, suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống và làm việc không vì lợi ích chung đó.
Không ít cử tri đánh giá cao trình độ chuyên môn, năng lực ở cương vị công tác của ứng viên, nhưng đó không phải là tất cả. Cử tri còn đòi hỏi người đại biểu phải sâu sát với hơi thở cuộc sống, phải thấu cảm những bức xúc của người dân cũng như lắng nghe, thẩm thấu những ý kiến góp ý của người dân vì công bằng xã hội, vì sự thịnh vượng của đất nước.
Nói một cách đơn giản, cử tri mong muốn người đại biểu mình chọn thể hiện rõ được hình ảnh, trách nhiệm của người đại diện cho nhân dân, thông qua việc chuyển tải ý kiến, mong mỏi của người dân đến nghị trường, cùng những hoạt động sâu sát với thực tế xã hội đang diễn ra.
Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta luôn khuyến khích người dân nói lên tiếng nói của mình, nhưng vẫn còn tình trạng kết quả thực tế có khoảng cách so với yêu cầu. Điều này đòi hỏi có cách làm để đảm bảo cử tri thực sự được cất lên tiếng nói của mình. Ở hội nghị cử tri hay ở bất kỳ hoạt động nào trong quy trình bầu chọn đại biểu thì ý kiến, nguyện vọng và quyết định của cử tri phải đảm bảo thể hiện một cách khách quan nhất.
Xây dựng xã hội công bằng, dân chủ là mục tiêu, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước. Đây là một tiến trình dài, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn và liên tục chứ không phải là “món quà sẵn có”. Việc đảm bảo để cử tri có được quyết định công tâm, khách quan sẽ chắc chắn góp phần lựa chọn được những đại biểu ưu tú, có uy tín, kinh nghiệm, có tấm lòng vì nước vì dân, đại diện cho quyền lợi chính đáng, lợi ích hợp pháp của nhân dân. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước và hiện thực hóa khát vọng phát triển hùng cường, mang lại phồn vinh, hạnh phúc cho nhân dân.