Địa phương chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý vật nuôi

Báo SGGP ngày 24-10 có đăng bài Xem thường chế tài lĩnh vực thú y, phản ánh tình trạng chó thả rông ngoài đường và gia cầm sống bán trên hè phố. Phóng viên Báo SGGP đã liên hệ với Chi cục Thú y TPHCM để nắm thêm thông tin về việc thực thi chế tài.
Các điểm kinh doanh gia cầm tự phát trên đường phố
Các điểm kinh doanh gia cầm tự phát trên đường phố
Chi cục Thú y TPHCM cho biết: Từ đầu năm 2017 đến nay, chi cục thu gom 85 chó thả rông, xử phạt vi phạm hành chính 54 trường hợp, trong đó có 15 trường hợp chó chưa tiêm phòng dại. Riêng từ ngày 15-9 đến 17-10, tháng đầu tiên Nghị định 90/2017 về xử lý vi phạm trong lĩnh vực thú y có hiệu lực, chi cục đã phối hợp với các địa phương thực hiện thu gom 25 chó thả rông, xử phạt vi phạm hành chính 13 trường hợp.
Trong đó, 4 trường hợp có giấy chứng nhận tiêm phòng dại hợp lệ, mức phạt thả rông chó là 700.000 đồng/trường hợp; 9 trường hợp bị phạt mức 1,4 triệu đồng/trường hợp vì thả rông chó và không chứng minh được chó đã được tiêm phòng dại, đồng thời buộc thực hiện ngay việc tiêm phòng dại. 
Theo ông Phạm Minh Trí, Trưởng trạm Phòng chống dịch và kiểm định động vật, trước đây việc thu gom chó thả rông thực hiện theo kế hoạch riêng của trạm, không có công an địa phương đi cùng nên không thể vào các tuyến đường nhỏ, đường hẻm để bắt chó vì có thể bị người dân phản ứng, hành hung. Từ năm 2016 và nhất là khi Nghị định 90 có hiệu lực, trạm phối hợp với địa phương thực hiện công tác kiểm tra chó tiêm phòng dại và thu gom chó thả rông.
Theo quy định, địa phương chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý vật nuôi trên địa bàn, nhưng vì địa phương không có lực lượng có nghiệp vụ, không có phương tiện và điểm lưu giữ, nên Chi cục Thú y hỗ trợ. Trước đây, trung bình trạm thực hiện thu gom chó thả rông với tần suất 3 lượt/tuần, hiện nay thực hiện 4 lượt/tuần.
Về việc xử lý các điểm kinh doanh gia cầm tự phát trên đường phố và trong chợ, Chi cục Thú y TPHCM cho biết: Từ tháng 7-2017 đến nay, số lượng các điểm kinh doanh gia cầm sống trái phép tại TPHCM tăng cao với 77 điểm tại 26 khu vực trên địa bàn 10 quận - huyện, tập trung chủ yếu trên địa bàn quận 5, 8, 9, huyện Hóc Môn và Bình Chánh.
Từ khi Nghị định 90 có hiệu lực, Chi cục Thú y đã phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền các quận - huyện xử lý 210 trường hợp vi phạm liên quan đến vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn, tịch thu tang vật gồm 2.393 con gia cầm sống, 42kg thịt gia cầm.

Tin cùng chuyên mục