Dịch hay không dịch?

Người dân không khỏi lo lắng trước tình hình bệnh tay chân miệng khiến hàng ngàn trẻ mắc và ít nhất 83 trẻ tử vong tại 52 tỉnh thành. Dư luận đang quan ngại liệu với số trẻ mắc, tử vong và quy mô như vậy thì bệnh tay chân miệng đã thực sự trở thành dịch?

Người dân không khỏi lo lắng trước tình hình bệnh tay chân miệng khiến hàng ngàn trẻ mắc và ít nhất 83 trẻ tử vong tại 52 tỉnh thành. Dư luận đang quan ngại liệu với số trẻ mắc, tử vong và quy mô như vậy thì bệnh tay chân miệng đã thực sự trở thành dịch?

Tại hội nghị tăng cường phòng chống bệnh tay chân miệng khu vực phía Nam ở Viện Pasteur TPHCM mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị các cục, vụ nghiên cứu để công bố dịch nhằm thúc đẩy hơn nữa ý thức phòng bệnh của người dân và huy động các lực lượng tham gia. Thế nhưng sau đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn lại cho rằng cần cân nhắc xem đã đến lúc công bố dịch được chưa và điều đó tùy thuộc vào từng địa phương chứ không phải cứ muốn “dịch” là “dịch”. Như vậy, ngay cả Bộ Y tế cũng đã có quan điểm trái ngược, mặc dù đều xuất phát từ chiều hướng tích cực là càng sớm ngăn chặn bệnh tay chân miệng càng tốt.

Xin nhắc lại rằng, từ năm 2008, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã có hiệu lực thi hành. Theo Điều 38 của luật, mục 2 khoản a về thẩm quyền công bố dịch và Điều 3 của luật có quy định bệnh tay chân miệng thuộc nhóm B. Vì vậy việc công bố dịch tay chân miệng thuộc thẩm quyền chủ tịch UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, chủ tịch UBND tỉnh cũng xét theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế mới có thể công bố. Vậy, thực chất “dịch” hay “không dịch” là trình độ chuyên môn, trách nhiệm của Giám đốc Sở Y tế. Và căn cứ để Giám đốc Sở Y tế có thể đề xuất là Quyết định số 64/2010/QĐ-TTg ngày 25-10-2010 của Thủ tướng về việc quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.

Theo đó, nếu áp dụng với bệnh tay chân miệng hiện nay, dịch chỉ được công bố khi hội đủ 2 điều kiện: Thứ nhất, số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc dự tính bình thường của cơ quan y tế. Thứ hai là có một trong các yếu tố: quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế; bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong; chưa rõ tác nhân và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; bệnh dịch xảy ra khi có thiên tai, thảm họa.

Tại công văn xin ý kiến về công bố hay không công bố dịch bệnh tay chân miệng gửi Chủ tịch UBND TPHCM (địa phương có ca mắc bệnh tay chân miệng cao nhất nước) mới đây, ông Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, vận dụng rằng điều kiện thứ nhất đã thỏa đáng để công bố dịch vì số ca mắc bệnh tay chân miệng vượt quá số người mắc dự tính (gần 7.500 ca mắc), nhưng điều kiện thứ hai thì cả 4 yếu tố không thỏa đáng. Liệu sự phân tích của Giám đốc Sở Y tế TPHCM có chính xác khi cho rằng mặc dù số bệnh mắc cao nhưng dịch bệnh hiện nay vẫn trong tầm kiểm soát của ngành y tế thành phố và đang có xu hướng giảm?

Song thực tế thì chỉ trong ngày 18-8 vừa qua TPHCM đã ghi nhận thêm 2 ca tử vong do bệnh tay chân miệng, nâng tổng số từ đầu năm đến nay 24 ca. Và thay vì từ đầu năm chỉ có 2 quận huyện của TPHCM có ca mắc và tử vong do bệnh tay chân miệng thì đến nay gần như 24 quận huyện đã có ca mắc. Vậy bệnh tay chân miệng có nằm trong kiểm soát? Hơn nữa, ngay khi bệnh tay chân miệng bùng phát vào tháng 5, các chuyên gia y tế đã cảnh báo trên các phương tiện truyền thông rằng virus gây bệnh tay chân miệng đã biến chủng có độc lực cao.

Cụ thể là một bệnh viện nhi ở TPHCM đã gửi 5 mẫu bệnh phẩm qua Đài Loan (Trung Quốc) và kết quả xác định 2 mẫu là Enterovirus 71 (EV71) phân nhóm B2. Các chuyên gia cho rằng B2 là phân nhóm lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Trước đây, bệnh tay chân miệng tại nước ta đều do virus EV71 phân nhóm C1, C4 và C5 gây ra. Với phân nhóm B2, các chuyên gia khẳng định sự biến chứng và gây tử vong của bệnh cao. Vậy, Bộ Y tế đã nghiêm túc nghiên cứu phân lập để xác định bệnh tay chân miệng có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong, là một trong những yếu tố để công bố dịch?

Thủ tướng đã có công điện yêu cầu công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm tay chân miệng đúng thời điểm. Điều này phụ thuộc vào Giám đốc Sở Y tế các địa phương chiếu theo tình hình bệnh dịch mà đề xuất công bố cho đúng. Chưa đến mức dịch mà đề xuất nói dịch là thiếu tinh thần trách nhiệm, gây hoang mang.

Còn thực sự đã thành dịch mà bảo chưa vội công bố lại ẩn chứa những nguy hại khó lường. Có thể đừng quá vội vàng đến “hớ hênh” như vụ Tổ chức Y tế thế giới công bố dịch cúm A/H1N1 năm 2009. Song cũng phải rà soát tình hình và đối chiếu với dịch tả để công bố thích hợp. Còn không ý thức đúng và đủ về tầm quan trọng, điều kiện công bố dịch tay chân miệng thì nguy cơ là khó lường. Trách nhiệm này thuộc về những người ra quyết định hành xử!

GIA PHÚ

Tin cùng chuyên mục