Dịch vụ cho thuê lại lao động ngoài vòng pháp luật

Dịch vụ nở rộ
Dịch vụ cho thuê lại lao động ngoài vòng pháp luật

Trên thị trường lao động trong nước hiện nay đang nở rộ dịch vụ cho thuê lại lao động dù cho đến nay vẫn dù chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào cho phép các tổ chức, doanh nghiệp (DN) hoạt động cho thuê lại lao động. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào quản lý hoạt động cho thuê lại lao động cũng như bảo vệ quyền lợi của người lao động…

Người lao động đang được tư vấn nghề nghiệp tại một ngày hội việc làm.

Người lao động đang được tư vấn nghề nghiệp tại một ngày hội việc làm.

Dịch vụ nở rộ

Theo khảo sát của Vụ Pháp chế (Bộ LĐTB-XH), DN hoạt động cho thuê lại lao động hiện nay chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cụ thể, TPHCM có 59 DN (5.393 lao động), Bình Dương 51 DN (8.210 lao động) và Đồng Nai 20 DN (3.000 lao động) đang cung cấp dịch vụ cho thuê lại lao động. Tại Hà Nội, hoạt động này cũng đã xuất hiện trong khoảng 3 năm trở lại đây. Ngành nghề chủ yếu của các đối tượng “bị” cho thuê lại lao động là kế toán, báo cáo thuế, dịch vụ bảo vệ, công nhân bốc xếp... Gần đây, hình thức cho thuê lại lao động cũng đã xuất hiện ở những lĩnh vực ngành nghề đòi hỏi trình độ chuyên môn cao như công nhân kỹ thuật điện...

Đối tượng khách hàng của các công ty cho thuê lao động là các doanh nghiệp kinh doanh có tính thời vụ, hoạt động theo đơn hàng nên số lượng lao động biến động thường xuyên. Các ngành nghề chủ yếu sử dụng lao động cho thuê lại của loại công ty cung ứng này chủ yếu gồm: Kế toán báo cáo thuế, dịch vụ bảo vệ, nhân viên kinh doanh, marketing, nhân viên quản lý nhân sự, thủy thủ tàu biển, công nhân bốc xếp, giữ xe, giao hàng, phục vụ quán ăn, giúp việc nhà, giữ trẻ, chăm sóc người già, lao động phổ thông... Gần đây, hình thức cho thuê lại lao động không chỉ xuất hiện ở đối tượng lao động phổ thông trình độ thấp, mà còn có cả lao động có trình độ chuyên môn, lao động kỹ thuật cao như kỹ thuật điện, điện tử. Đối tượng lao động được thuê lại không chỉ là người trong nước mà còn có người nước ngoài. Hình thức chủ yếu cho thuê lại lao động hiện nay được thực hiện dưới dạng hợp đồng khoán việc, hợp đồng gia công, hợp đồng dịch vụ giữa doanh nghiệp cho thuê và doanh nghiệp đi thuê. Thời hạn làm việc phụ thuộc vào tính chất công việc, đơn hàng. Thường là các hợp đồng ngắn hạn như 1 - 3 tháng cho các doanh nghiệp sản xuất thời vụ; từ 1 - 3 năm đối với dịch vụ vệ sinh, bảo vệ, gia công công việc...

Theo ông Ngô Đình Đức, Tổng giám đốc Tổng Công ty L&A, hiện đơn vị này đang cung cấp lao động cho 50 dự án thuộc các công ty đa quốc gia. Ông Đức cho rằng, nhu cầu cho thuê lại lao động là rất lớn, cần phải được nhìn nhận. Nếu không có các trung tâm, công ty cung ứng dịch vụ lao động, nhiều DN không biết phải tuyển nhân sự ở đâu. Đó là chưa kể việc tìm phải lao động không ưng ý hoặc phải giải quyết hàng loạt các thủ tục liên quan khi lao động thôi việc. Khi lấy lao động từ nguồn dịch vụ cung ứng cho thuê, nếu lao động không làm được việc, doanh nghiệp hoàn toàn có quyền trả lại cho đơn vị cho thuê và yêu cầu tìm người mới đáp ứng nhu cầu.

Người lao động thiệt thòi

TS Hồ Xuân Dũng, Phó phòng Lao động - Tiền công - Tiền lương (Sở LĐTB-XH TPHCM) nhấn mạnh, dù pháp luật Việt Nam chưa cho phép hoạt động cho thuê lại lao động nhưng thực tế, loại dịch vụ này đã xuất hiện nhiều. Để đảm bảo về pháp lý, các DN cho thuê lại lao động đã lách luật bằng cách không ký hợp đồng cho thuê lại lao động, mà thay vào đó là ký hợp đồng cung cấp dịch vụ. Một hình thức khác của hoạt động cho thuê lại lao động là DN trực tiếp tuyển dụng và điều hành người lao động làm việc cho DN mình nhưng lại “nhờ” một DN khác ký hợp đồng lao động. Nhờ đó, họ dễ dàng “lách” nghĩa vụ như lương, thưởng, mức đóng bảo hiểm, thai sản... phải đóng cho người lao động.

Ông Mai Đức Thiện, Trưởng phòng Lao động, Vụ Pháp chế (Bộ LĐTB-XH) cho biết, hiện tượng này thường được phát hiện tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các văn phòng đại diện... Nghĩa là họ trực tiếp sử dụng người lao động Việt Nam nhưng người lao động lại ký hợp đồng thông qua các DN Việt Nam như Fosco, Navigos Group... Điều này đồng nghĩa với việc DN FDI sử dụng lao động theo hình thức đi thuê lại. Như thế, quyền lợi của người lao động bị vi phạm nghiêm trọng bởi họ hưởng bảo hiểm, lương, thưởng... ít hơn so với việc ký hợp đồng trực tiếp với DN FDI.

Rất nhiều vụ tranh chấp khác phát sinh từ hoạt động cho thuê lại lao động cũng gây khó xử đối với ngành chức năng, vì khung pháp lý về hoạt động này chưa rõ ràng, chưa có chế tài xử lý. Theo ông Lâm Duy Tín, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH Đồng Nai, mức phí dịch vụ này dao động trong khoảng 15% - 25% tổng số tiền lương lao động/tháng (khoảng 10.000 - 15.000 đồng/ngày/người).

Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh Đồng Nai hoài nghi có vấn đề trong hoạt động cho thuê lại lao động. Bà Nguyệt đặt vấn đề: “Tại sao các DN lại đưa lao động trú ở TPHCM đến làm việc ở Đồng Nai, Bình Dương và ngược lại? Đây là một hình thức lách luật vì khi muốn phủi tay với người lao động thì sẽ cho thuê hay điều động đi thật xa để họ tự ý nghỉ việc”. Ông Đặng Đức San, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTB-XH thừa nhận: Tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có các quy định của pháp luật lao động về loại hình dịch vụ cho thuê lao động. Vì thế, với tốc độ phát triển nhanh, hoạt động này đang góp phần làm méo mó thị trường lao động và gây thiệt hại về quyền lợi cho người lao động. Sắp tới, sẽ có những điều chỉnh về mặt pháp luật để đưa hoạt động cho thuê lại lao động vào khuôn khổ.

“Mức lương tối thiểu vùng quy định như hiện nay và sự phân biệt giữa mức lương tối thiểu giữa DN FDI và DN trong nước sẽ là mảnh đất màu mỡ để các DN cho thuê lại lao động hoạt động. Tương lai sẽ hình thành nên những tập đoàn cho thuê lại lao động độc quyền để ép giá người lao động và khi phát sinh tranh chấp, các ngành chức năng rất khó xử” - TS Dũng phân tích. Điều này có thể minh chứng qua sự vụ sập cầu Cần Thơ, lực lượng thanh tra phát hiện hàng loạt DN sử dụng dịch vụ cho thuê lại lao động giữa nhà thầu phụ với các nhà thầu khác. Vì vậy, cơ quan chức năng rất khó xác định ai là chủ sử dụng lao động thực sự để bồi thường.

Hồ Thu

Tin cùng chuyên mục